Buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản ở Phú Yên

Công tác lập quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang bộc lộ nhiều lỗ hổng, chưa được các cấp, các ngành thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, gây tác động xấu đến môi trường diễn ra khá phổ biến. Tỉnh Phú Yên đang tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng này.

Nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép thường xuyên diễn ra trên sông Ba (sau Thủy điện sông Ba Hạ).

Nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép thường xuyên diễn ra trên sông Ba (sau Thủy điện sông Ba Hạ).

Công tác quy hoạch vừa thiếu vừa yếu

Ðể tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiến hành tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; quy hoạch vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác; đồng thời UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản về quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình lập quy hoạch, các ngành chức năng sử dụng phần lớn số liệu điều tra, đánh giá từ năm 1997 mà không tổ chức điều tra, đánh giá lại toàn diện, dẫn đến khi triển khai quy hoạch còn một số thiếu sót phải bổ sung, sửa đổi, gây khó khăn trong công tác quản lý điều hành. Bên cạnh đó, thiếu quy hoạch cụ thể cho từng loại khoáng sản; chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa gắn với nguồn lực thực hiện, thiếu tính đồng bộ, bao quát và tầm nhìn dài hạn dẫn tới quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung như quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu thông thường của tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 phải điều chỉnh, bổ sung đến hai lần.

Công tác thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của UBND tỉnh chưa thực hiện đúng theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Việc lập quy hoạch khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản làm cơ sở để cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện quá chậm. Cụ thể từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã năm lần chỉ đạo bằng văn bản đối với Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên tổ chức xây dựng quy hoạch khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản để trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Mới đây, Ðoàn giám sát HÐND tỉnh tiến hành giám sát tình hình quản lý và khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã phát hiện UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại một số mỏ chưa đúng thẩm quyền quy định. Cụ thể như UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy phép 07/GP-UBND khai thác đá granite ốp lát cho Công ty TNHH xây dựng Tâm Tín tại Phước Huệ, Xuân Quang 2, huyện Ðồng Xuân; giấy phép số 2017/GP-UBND cho Công ty CP đá ốp lát An Lộc thăm dò đá ốp lát tại xã Ðức Bình Ðông, huyện Sông Hinh; giấy phép số 2039/GP-UBND cho Công ty CP đá ốp lát An Lộc thăm dò đá ốp lát tại xã Ea Bar, huyện Sông Hinh..., trong khi đó thẩm quyền cấp phép cho các mỏ khoáng sản trên thuộc chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một số nơi còn để xảy ra tình trạng mua bán giấy phép khai thác; nhiều doanh nghiệp giấy phép hết hạn vẫn tổ chức khai thác, hoặc khai thác ngoài diện tích được cấp phép. Việc thực hiện quy trình, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho một số doanh nghiệp còn thiếu nhiều thủ tục.

Thất thu ngân sách

Không chỉ vậy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vàng sa khoáng, đá chẻ xây dựng, cát, đất san lấp... làm thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội. Gần đây nổi lên nạn khai thác diatomite trái phép tại xã An Xuân, huyện Tuy An gây nguy hại môi trường, cảnh quan tự nhiên, làm thất thu ngân sách, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người khai thác trái phép. Theo báo cáo của UBND xã An Xuân, hiện còn tồn tại sáu điểm khai thác diatomite, với 27 hộ dân thường xuyên tham gia đào bới đất có độ sâu từ 2 đến 4 m để lấy khoáng sản đi bán. Quyền Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Phụng Ngoạn cho biết, mặc dù trên địa bàn chỉ có duy nhất một đơn vị được cấp phép khai thác, nhưng hàng loạt doanh nghiệp, dù chưa có giấy phép của cơ quan chức năng vẫn lén lút khai thác, chế biến và tiêu thụ diatomite. Ðó là chưa kể toàn tỉnh hiện có hơn 60 đơn vị mua bán, sản xuất hóa chất có sử dụng diatomite.

Những sai phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản nêu trên đã làm thất thoát một nguồn thu đáng kể cho địa phương. Số liệu thống kê của ngành thuế tỉnh Phú Yên cho thấy, thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2007 thu được hơn 887 triệu đồng, năm 2008 hơn 1,6 tỷ đồng và năm 2009 gần năm tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu trong hoạt động khai thác khoáng sản sẽ còn cao hơn nếu công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ và đồng bộ. Phó Chủ tịch HÐND tỉnh Phú Yên Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, nguyên nhân là do một số doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định của Nhà nước trong khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là khai thác, mua bán khoáng sản thời gian dài nhưng không công khai nộp thuế; trong khi đó, công tác quản lý của ngành thuế thời gian qua phần lớn dựa vào số liệu tự kê khai chứ chưa đi sâu vào kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản của doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa ngành thuế với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến thất thu thuế và không khuyến khích được doanh nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản...

Trước thực trạng nêu trên, tỉnh Phú Yên đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh một cách mạnh mẽ. UBND tỉnh đang tập trung giải quyết một số vấn đề bất cập của các dự án khai thác khoáng sản, đồng thời tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý nạn khai thác vàng sa khoáng, cát, đá trái phép, chủ yếu là địa bàn các huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Tỉnh cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bản đồ khoanh vùng cấm các hoạt động khoáng sản đến năm 2020. Ðồng thời ban hành văn bản quán triệt thực hiện Chỉ thị 02 ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 12 ngày 10-10-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về tài nguyên khoáng sản cũng được tăng cường sâu rộng trong toàn thể cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản. Lập phê duyệt quy hoạch khoáng sản theo đúng thẩm quyền; chấn chỉnh công tác cấp phép hoạt động khoáng sản; có biện pháp đẩy mạnh đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư khai thác khoáng sản có sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường; thu hồi các giấy phép cấp sai thẩm quyền. Chỉnh lý, bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất. Nghiêm cấm những hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trái phép và xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến. Chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp xử lý dứt điểm việc khai thác vàng sa khoáng trái phép tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa; tập trung chỉ đạo hoàn thành việc khắc phục môi trường tại mỏ sắt Phong Hanh, huyện Tuy An theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là cấp xã trong việc giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản...

Bài và ảnh: TRÌNH KẾ

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/20965302-.html