'Búp bê' khổ luyện 10 năm ở Trung Quốc và 7 tấm HCV SEA Games để đời cho thể thao Việt Nam
'Khi chấn thương, chúng tôi cũng phải tập luyện để quen với cảm giác đau. Chỉ cần tập được 50% là phải duy trì tập, chứ không được nghỉ đến khi khỏi hẳn đâu', Ngân Thương kể lại.
Lời tòa soạn: SEA Games 22, những "thiên thần nhỏ" của đội Thể dục dụng cụ (TDDC) mở hàng cho thể thao Việt Nam khi mang về tấm huy chương vàng đầu tiên. Đó cũng là thời điểm, cái tên "Búp bê" Ngân Thương bắt đầu được biết đến.
Với Đỗ Thị Ngân Thương, đến tận bây giờ đó vẫn là kỷ niệm không thể nào quên. Bởi để có tấm huy chương đó, những cô bé 13, 14 tuổi ấy đã phải đánh đổi cả tuổi thơ của mình ở nơi đất khách quê người.
7 năm dài đằng đẵng khổ luyện tại Trung Quốc, Ngân Thương và đồng đội đã phải trải qua biết bao nhiêu điều. Chấn thương cũng vẫn phải tập luyện; thèm một viên kẹo, muốn một que kem cũng không được phép ăn. Tất cả chỉ để hướng đến một mục tiêu duy nhất. Đó là tấm huy chương vàng SEA Games.
CƠN THÈM ĐỒ NGỌT VÀ NỖI KHỔ ÉP CÂN
Ở tuổi lên 7, Ngân Thương bắt đầu bén duyên với TDDC. Với mục tiêu môn TDDC phải có thành tích ở SEA Games 22 (2003) trên sân nhà, vào năm 1996, chuyên gia Hoàng Vĩnh Giang quyết định mời HLV Đặng Vĩnh An của Trung Quốc tới Việt Nam để tuyển chọn VĐV từ các trường tiểu học. Và Ngân Thương nằm trong số những cái tên được chọn để lên đường sang Quảng Tây (Trung Quốc) khổ luyện.
"Thực ra hồi bé mình không nghĩ đến việc phải xa gia đình hay tập luyện vất vả đâu. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng: "Ôi được đi chơi rồi, bố mẹ sẽ không quản lý mình nữa". Mà tính tôi thì thích chơi nên chỉ nghĩ đơn giản là được đi chơi thôi. Nhưng sang Trung Quốc rồi mới thấy nhớ nhà kinh khủng", Ngân Thương kể lại với chúng tôi.
"Cả tháng đầu, mấy chị em ai cũng khóc vì nhớ nhà. Tôi lại là đứa bé nhất đội nên cũng khóc nhiều nhất, ngày nào tôi cũng khóc đòi về. Thế là cô Lan (HLV Nguyễn Kim Lan - PV) phải có động tác tâm lý, bảo tôi cứ cố gắng tập luyện, tới thứ 3 có chuyến bay thì cô sẽ mua vé cho về. Đến ngày ấy tôi hỏi thì cô lại bảo hôm nay do thời tiết xấu, chuyến bay bị hủy nên chờ đến thứ 5 nhé. Và cứ thế tôi bị lừa (cười).
Bù lại, tuần nào chuyên gia Đặng Vĩnh An cũng tự bỏ tiền túi cho tất cả đội đi công viên chơi. Tôi nhớ trong 2 năm đầu, chúng tôi đi hết tất cả các công viên ở Quảng Tây luôn".
Phải sau 6 tháng, Ngân Thương mới được về thăm nhà lần đầu tiên. Lịch trình này sau đó chuyển thành 1 năm/lần khi các VĐV đã dần quen với guồng tập luyện.
"Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên được về nhà, vừa làm thủ tục để lên máy bay xong là cả cô lẫn trò đều gào thét vì sắp được về với gia đình rồi. Hạnh phúc vô cùng.
Tuy nhiên xong 1 tuần đó mình phải sang Trung Quốc luôn vì thầy bảo nếu ở quá lâu, VĐV sẽ bị mất cảm giác. Và nếu lên cân sẽ lại phải ép cân. Điều đó khiến mình mất thời gian hơn cho việc tập các động tác khó", Ngân Thương lý giải.
Theo lời kể của Ngân Thương, một trong những yêu cầu khắt khe nhất với VĐV TDDC đó là việc đảm bảo cân nặng. Những buổi tập liên tục với khối lượng lớn không làm khó được Ngân Thương, bởi cô vốn là đứa trẻ thích chạy nhảy, vui chơi. Nhưng chuyện ăn uống và ép cân lại là chuyện khác.
"Bây giờ khi đã trở thành HLV, tôi không ép VĐV vào guồng như vậy nữa. Nhưng ngày xưa thời bọn tôi thì khác. Chuyên gia Trung Quốc đúc kết rằng với thể trạng con người Á Đông, VĐV TDDC không được để cân nặng quá nặng, có như thế mới đảm bảo được sức bật cơ thể.
Bữa ăn chính của chúng tôi luôn đầy đủ dinh dưỡng, nhưng các thầy rất khắt khe trong việc ăn vặt hay đồ ngọt. Tất cả đều phải kiêng đồ ngọt. Kẹo, bánh, kem hay bất cứ món nào là đồ ngọt, bọn tôi không được phép đụng vào. Bù lại, chúng tôi được ăn hoa quả thoải mái.
Nhưng trẻ con mà, nhiều khi vẫn giấu cô để ăn vụng (cười). Có điều cô giáo có kinh nghiệm cả rồi. Cô chỉ nhìn thôi cũng biết VĐV của mình ăn cái gì. Bọn tôi bị bắt không ít lần, cũng bị phạt nữa. Và mỗi khi lên cân đều phải mặc áo mưa chạy, xông hơi để ép cân.
Tới độ tuổi dậy thì, mọi thứ khó lường hơn vì có khi chẳng ăn gì, chỉ hít không khí thôi cũng béo lên (cười). Thế là lại khổ sở để ép cân. Nhiều khi xông hơi xong, ngay cả việc uống nước mình cũng phải hạn chế vì sợ uống xong lại hồi lại số cân ban đầu", Ngân Thương nhớ lại.
Cô kể tiếp: "Còn về tập luyện, chấn thương tất nhiên không tránh được. Việc trẹo chân, rạn xương có thể xảy ra. Nhưng cũng may khi ở Trung Quốc điều kiện y tế tốt, có nhiều loại thuốc rất tốt để chữa trị nhanh khỏi.
Bản thân chúng tôi cũng phải tập luyện để quen với cảm giác đau. Chỉ cần tập được 50% là phải duy trì tập luyện chứ không được nghỉ hoàn toàn đến khi khỏi đau đâu. Ví dụ nếu bị đau tay thì mình tập bụng, lưng, chân".
"GẶT" VÀNG SEA GAMES
Sau 7 năm khổ luyện tại Trung Quốc, đội TDDC trở về Việt Nam để tham dự SEA Games 22. Các HLV không đặt áp lực thành tích lên vai những nữ VĐV chỉ mới 13, 14 tuổi, nhưng Ngân Thương và đồng đội lại nghĩ khác.
"Chúng tôi bé như thế nên các thầy cô cũng không đặt nặng tâm lý gì đâu. Kể cả đến ngày được về thi SEA Games, mọi người cũng không bắt ép rằng phải giành được huy chương vàng. Thầy cô chỉ nói rằng các con hãy cố gắng phát huy hết khả năng của mình. Và cũng thật may mắn là tôi đã không khiến ban lãnh đạo và người hâm mộ thất vọng.
Mà thực ra bản thân tôi cũng "máu" lắm chứ. Ở SEA Games 21 tại Malaysia, đội nhảy cầu của Việt Nam có giành được tấm huy chương bạc và một người bạn tôi đã cầm nó sang Trung Quốc. Trời ơi, tôi nhìn tấm huy chương bạc ấy mà cứ nâng niu mãi, ước gì một ngày nào đó mình chỉ giành được tấm huy chương đồng thôi cũng đủ sướng lắm rồi. Thật lòng là như vậy".
Tuy nhiên những gì Ngân Thương đạt được còn xuất sắc hơn kỳ vọng ban đầu. Nữ VĐV 14 tuổi xuất giành về 2 tấm HCV nội dung xà lệch đồng đội và cá nhân. Và từ đó, cô bé nhỏ nhắn được dư luận biết tới và bắt đầu được gắn với biệt danh "Búp bê".
"Được đeo huy chương vàng trên cổ dĩ nhiên là thích rồi. Mình thích được làm số một lắm chứ. Tôi nhớ sau khi thi xong, lúc về nhà mọi người đến nhà chúc mừng nhiều lắm, rồi các bác bảo lấy huy chương ra cho xem. Mình thì hoa đeo đầy cả cổ, còn huy chương đưa cho mọi người đeo thử, chụp nhiều ảnh lắm luôn vì tôi vẫn nhớ mình cười nhiều đến mỏi cả mồm. Nhưng đó thực sự là một cảm giác hạnh phúc", Ngân Thương bồi hồi nhớ lại.
CÚ SỐC DOPING VÀ THĂNG TRẦM SAU SEA GAMES 22
Sau thành công ở SEA Games 22, Ngân Thương tiếp tục sang Trung Quốc tập huấn trong 3 năm rồi sau đó mới chuyển về tập luyện hoàn toàn ở trong nước.
Ở 2 kỳ SEA Games tiếp theo, "Búp bê" Ngân Thương mang thêm về 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ cho Việt Nam. Chính thành tích ấn tượng này đã giúp Ngân Thương trở hành VĐV TDDC duy nhất của Đông Nam Á được nhận vé đặc cách tham dự Olympic Bắc Kinh 2008.
Thế nhưng giải đấu này lại trở thành một dấu mốc buồn trong sự nghiệp của Ngân Thương. Sơ suất trong việc sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm cấn khiến cô dương tính với chất cấm khi kiểm tra doping.
Trưởng ban y tế của Ủy ban Olympic quốc tế, Arne Ljungqvist, khi đó đánh giá đây không phải là lỗi cố ý của Ngân Thương. Tuy nhiên, "Búp bê" của thể thao Việt Nam vẫn phải nhận án phạt cấm thi đấu 1 năm và lỡ hẹn với SEA Games 2009.
Sau nhiều năm, Ngân Thương hồi tưởng lại quãng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình:
"Với bất cứ VĐV nào, dính án đó không khác nào bị đi tù vậy. Thực sự sốc lắm, nhưng bản thân tôi biết tất cả là lỗi của mình chứ không hề liên quan tới ai cả. Do mình bất cẩn, tuổi trẻ chưa đủ hiểu biết nên mới xảy ra cơ sự đó.
Thời gian đó tôi gần như chỉ ở nhà, không muốn nói chuyện với một ai cả. Cũng may mọi người cũng hiểu và cảm thông. Các thầy cô trong ban huấn luyện không trách mắng gì cả. Nhưng sau đợt đó tôi quyết tâm nghỉ tập. Một phần vì cảm giác xấu hổ, một phần cảm thấy không còn yêu nghề nữa và muốn giải nghệ".
Cô kể tiếp: "Ngày đó nghỉ tập xong tôi đăng ký đi học Đại học TDTT tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Ngày trước người ta thấy tôi thì có thể sẽ bảo là: "ôi, Ngân Thương kìa", còn giờ không ít người lại bảo: "ôi, Ngân Thương bị dính doping kìa". Thành ra hồi ấy đi học mình cũng xấu hổ lắm.
Sau khi giải nghệ một thời gian, tôi về làm công tác huấn luyện. Nhưng nhìn mọi người tập luyện, tôi mới thấy hóa ra chỉ cần bước qua được cánh cửa đó thì phía trước vẫn còn nhiều cánh cửa khác mà. Vậy là tôi quay trở lại. Tôi nghĩ mình phải làm như thế nào để người ta nhớ tới mình không phải vì án doping đấy nữa. Tôi muốn đứng lên từ nơi mình vấp ngã".
Và quả thật, Ngân Thương đã làm được. Thậm chí, cô còn làm rất tốt. Tại SEA Games 26, Ngân Thương xuất sắc giành 2 HCV, 1 HCB, qua đó nâng tổng thành tích ở SEA Games lên 7 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Một năm sau, nữ VĐV này còn khiến tất cả phải bất ngờ khi giành vé tham dự Olympic London 2012, qua đó kết thúc sự nghiệp thi đấu của mình theo một kịch bản trọn vẹn.
"Tôi nghĩ có lẽ ông trời cũng muốn cho mình thêm cơ hội để một lần nữa ghi danh ở sân chơi lớn như Olympic. Ban đầu mình cũng thấy hơi ngại. Olympic 4 năm trước câu chuyện đã xảy ra như thế, bây giờ mình không thể nào đi theo vết xe đổ ấy được.
Thực sự Olympic London 2012 cũng không phải thời kỳ tôi còn ở đỉnh cao nữa rồi. Tôi cũng dính chấn thương và động tác không còn tốt như trước nữa. Nhưng cô Nguyễn Kim Lan vẫn luôn động viên tôi. Vậy là một lần nữa, tôi được đứng trên sân chơi lớn như Olympic và sau đó sẽ là lần giải nghệ không còn chút tiếc nuối nào nữa. Ông trời đã cho mình quá nhiều thứ rồi và mình sẽ là người tự đóng cánh cửa đấy lại".
VĨ THANH
Bắt đầu gắn bó với TDDC từ năm 1996 khi mới 7 tuổi, giờ đây Ngân Thương vẫn đang theo đuổi đam mê của mình với việc đảm nhận công tác huấn luyện lứa VĐV trẻ tại Trung tâm Nhổn.
Nhìn lại cả một hành trình dài gắn bó với TDDC trong suốt 26 năm qua, "Búp bê" Ngân Thương trải lòng:
"Ngoài việc phải hi sinh một chút khi không có tuổi thơ như bạn bè đồng trang lứa, nhưng hiện tại tôi có được một công việc tốt, được làm việc theo đam mê của mình, được mọi người biết đến. Mỗi khi được mọi người nhớ đến tôi lại thấy rất vui, chí ít rằng mình đang sống tích cực, sống tốt, mỗi ngày tôi đều thấy cuộc sống của mình đều vui vẻ. Như vậy là được rồi.
Tuy chúng tôi không có tuổi thơ chơi búp bê với các bạn, chơi những trò chơi con trẻ, nhưng thay vào đó chúng tôi được rèn luyện tính tự lập rất cao. Bố mẹ tôi không phải lo lắng bất cứ điều gì cho tôi cả, chỉ lo mỗi việc con mình có chấn thương hay không.
Các VĐV TDDC có người tuy không làm trong ngành nữa nhưng đều rất tự tin, bản lĩnh, đi tìm công việc cho mình, gia đình không phải lo lắng điều gì cả. Đó là điều chúng tôi phải cảm ơn TDDC. Tuy tuổi trẻ có vất vả nhưng bù lại mình đã có được bản lĩnh như hiện tại".
Ngân Thương kết lại: "Còn với gia đình nhỏ hiện tại, tôi may mắn khi là chồng tôi cũng rất hiểu đặc thù công việc thể thao của vợ. Bé Gạo nhà tôi năm nay 3 tuổi và cũng bộc lộ năng khiếu vận động. Tuy nhiên tôi sẽ cho con nhiều lựa chọn, để con tự trải nghiệm rồi chọn ra điều con thích.
Sở thích của con có thể thay đổi theo thời gian, nhưng chỉ cần lúc này con thích thì tôi sẽ cho con làm. Việc học hành cũng vậy. Con có thể học vừa đủ, cố gắng học tốt ngoại ngữ, còn mình sẽ không ép con phải học thật giỏi như con nhà người ta đâu (cười)".