Burkina Faso chìm trong khủng hoảng chính trị
Xuất hiện trên truyền hình quốc gia tối 24-1, nhóm binh sĩ nổi dậy ở Burkina Faso do Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba đứng đầu tuyên bố phế truất Tổng thống Kabore, đình chỉ Hiến pháp, giải tán chính phủ và đóng cửa biên giới.
Tuyên bố bất ngờ
Thông báo do trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba ký, đã được đại úy Sidsore Kader Ouedraogo đọc trên truyền hình quốc gia Burkina Faso, cho biết việc tiếp quản đã được thực hiện mà không có bạo lực và những người bị giam giữ đang ở một địa điểm an toàn. Đại úy Ouedraogo cho biết, quân đội đã nắm chính quyền do “tình hình an ninh đang xuống cấp” và “sự bất lực của chính phủ” trong việc đoàn kết dân chúng. Người ngồi bên cạnh đại úy Ouedraogo trong trang phục quân đội và đội mũ nồi đỏ được giới thiệu là trung tá Damiba, sĩ quan quân đội cấp cao và là nhà lãnh đạo mới của Burkina Faso.
Tuyên bố được đưa ra nhân danh một thực thể chưa từng được biết đến trước đây mang tên “Phong trào yêu nước để bảo vệ và khôi phục” (viết tắt theo tiếng Pháp là MPSR). “MPSR, bao gồm tất cả các bộ phận của quân đội, đã quyết định chấm dứt chức vụ của Tổng thống Kabore vào ngày 24-1”, thông báo có đoạn viết, đồng thời cho biết, tình hình an ninh quốc ga ngày càng xấu đi và Tổng thống Roch Marc Christian Kabore không có khả năng đoàn kết quốc gia hay ứng phó hiệu quả với những thách thức mà đất nước phải đối mặt. Tuyên bố cũng cho biết MPSR sẽ thiết lập lại “trật tự hiến pháp” trong một “thời gian hợp lý” và rằng lệnh giới nghiêm hằng đêm trên toàn quốc sẽ được thực thi.
Không có đề cập nào được đưa ra trong tuyên bố trên truyền hình về nơi ở của Tổng thống Kabore. Ông này đã mất tích kể từ khi giao tranh nổ ra vào hôm 23-1 xung quanh dinh tổng thống ở Ouagadougou. Một trong những nhà lãnh đạo cuộc đảo chính nói với CNN rằng ông Kabore đã bị bắt giữ vào sáng 24-1 bởi những các binh sĩ kiểm soát một căn cứ quân sự. Nguồn tin này cũng nói rằng ông Kabore đã ký đơn từ chức và đang bị giam giữ ở một “nơi an toàn”.
Chiều 24-1, một thông điệp được đăng từ tài khoản Twitter của Tổng thống Kabore đã yêu cầu những người tham gia cuộc đảo chính hạ vũ khí. “Quốc gia của chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn. Trong thời điểm chính xác này, chúng ta phải bảo tồn những thành tựu dân chủ của mình. Tôi yêu cầu mọi người hạ vũ khí vì lợi ích cao nhất của quốc gia. Chính thông qua đối thoại và lắng nghe, chúng ta mới giải quyết những mâu thuẫn của mình”, dòng trạng thái trên tài khoản Twitter có đoạn viết.
Những thông tin trái ngược
Thực sự thì 2 ngày qua, không khí hoang mang và lo sợ bao trùm khắp thủ đô Ouagadougou, nơi nổ ra nhiều tiếng súng dữ dội tại các trại quân đội từ hôm 23-1. Khi đó, người ta không biết ngay Tổng thống Kabore đang ở đâu. Các nguồn tin an ninh trước đó đưa ra nhiều thông tin mâu thuẫn về tình hình của ông Kabore, với một số người nói rằng ông đang bị giam giữ bởi những người tổ chức đảo chính, một số khác lại nói rằng các lực lượng trung thành đã đưa ông đến một địa điểm an toàn. Trước đó, đảng của Tổng thống Kabore thông tin rằng ông may mắn sống sót sau một vụ ám sát nhưng không cho biết thêm chi tiết. Các xe bọc thép thuộc đội xe của tổng thống được nhìn thấy gần tư dinh của ông Kabore hôm 24-1 trong tình trạng đầy vết đạn, có xe còn dính máu..
Sau các báo cáo mâu thuẫn về số phận của Tổng thống Kabore, Cao ủy phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại châu Âu Joseph Borrell cho biết trong một tuyên bố: “Giờ đây, chúng tôi biết rằng Tổng thống Kabore đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội”. Ngay lập tức, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố “cực lực lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiếp quản chính phủ bằng vũ lực”, gọi các sự kiện này là một “cuộc đảo chính”. Mỹ thì kêu gọi “thả Tổng thống Kabore và các quan chức chính phủ khác cùng các thành viên của lực lượng an ninh, tôn trọng hiến pháp và lãnh đạo dân sự của Burkina Faso”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giữ bình tĩnh và tìm kiếm đối thoại như một biện pháp để giải quyết bất bình”. Liên minh châu Phi và khối Tây Phi ECOWAS đều lên án cái mà họ gọi là âm mưu đảo chính ở Burkina Faso, đồng thời cho rằng quân đội chịu trách nhiệm về sự an toàn của Tổng thống Kabore.
Sinh năm 1975, Tổng thống Kabore từng là Thủ tướng của Burkina Faso (1994-1996) và Chủ tịch Quốc hội Burkina Faso (2002-2012). Ông cũng là Chủ tịch của Đại hội vì dân chủ và tiến bộ (CDP) cho đến khi rời đảng vào năm 2014. Ông thành lập đảng Phong trào Nhân dân vì tiến bộ cùng năm đó. Sau khi nhậm chức năm 2015, ông trở thành tổng thống đầu tiên trong 49 năm mà không có bất kỳ ràng buộc nào trong quá khứ với quân đội bởi trước khi hoạt động chính trị, ông là một nhân viên ngân hàng.
Hậu quả của sự hỗn loạn
Theo tin từ hãng Reuters, trung tá Damiba đã được Tổng thống Kabore thăng chức vào tháng 12 năm ngoái làm chỉ huy quân khu thứ ba của đất nước, chịu trách nhiệm về an ninh ở thủ đô Ouagadougou. Trung tá Damiba học tại một học viện quân sự ở Paris (Pháp) và gần đây là tác giả của cuốn sách có tựa đề “Quân đội Tây Phi và chủ nghĩa khủng bố: Những phản ứng không chắc chắn?”. Phóng viên Nicolas Haque của đài Al Jazeera cho biết, trung tá Damiba có sự hỗ trợ từ nhiều binh sĩ trong quân đội của Burkina Faso, những người đã tham gia chiến đấu với các nhóm vũ trang.
“Damiba là người từng ở tiền tuyến và chứng kiến những thương vong do chiến tranh đang diễn ra ở khu vực giáp biên giới Mali, Burkina và Niger”. Nicolas Haque cho biết thêm, tình trạng hỗn loạn ở Burkina Faso đang do các nhóm vũ trang gây ra. Những nhóm này ủng hộ một chính phủ không gồm các quan chức đã được bầu chọn. “Đó là những gì họ đang cố gắng chống lại - một chính phủ được bầu cử dân chủ ở Ouagadougou. Trong bối cảnh đó, họ làm thiếu đi khả năng điều hành chính quyền của tổng thống, phế truất ông ta...”.
Cũng theo nguồn tin này, kế hoạch cho cuộc đảo chính quân sự đã ngầm tiến hành từ tháng 8, được ấp ủ trong các ứng dụng nhắn tin mã hóa và vô số cuộc họp bí mật tổ chức bên ngoài thủ đô. Một trong những thủ lĩnh cuộc đảo chính nói với hãng CNN rằng, các binh sĩ tức giận trước việc chính phủ xử lý các cuộc tấn công thánh chiến trong nước và tin rằng Burkina Faso hiện tốt hơn dưới sự thống trị của quân đội.
Những năm gần đây, người dân Burkina Faso thường xuyên bày tỏ thái độ phẫn nộ với bạo lực có liên quan đến IS và Al-Qaeda. Những vụ tấn công của các nhóm vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến 1,5 triệu người phải di tản. Quân đội đã bị ảnh hưởng nặng nề: tháng trước, ít nhất 50 nhân viên thuộc lực lượng an ninh đã thiệt mạng ở Sahel. Sự tức giận gia tăng trên khắp đất nước trong nhiều tuần và cuộc đảo chính diễn ra một ngày sau một cuộc biểu tình ở thủ đô đòi tổng thống từ chức.
Constantin Gouvy, một nhà nghiên cứu Burkina Faso làm việc cho Viện Clingendael có trụ sở tại Hà Lan, cho biết: “Nỗ lực đảo chính này không phải tự dưng mà có. Tổng thống Kabore đã ủng hộ cách tiếp cận ưu tiên quân sự kể từ lần đầu tiên được bầu vào năm 2015 và nó đã không thành công. Tình trạng hỗn loạn ở Burkina Faso xảy ra sau khi quân đội tại các nước láng giềng Tây Phi là Mali và Guinea trong 18 tháng qua đã thành công khi loại bỏ tổng thống. Tây Phi, cho đến nay dù đã không còn được coi là “vành đai đảo chính” của châu Phi, vẫn dễ bị bất ổn”.
Burkina Faso là một trong những nước nghèo nhất Tây Phi mặc dù sản xuất vàng. Nước này cũng đã trải qua nhiều cuộc đảo chính kể từ khi độc lập khỏi Pháp vào năm 1960. Tổng thống Kabore nắm quyền từ năm 2015 và tái đắc cử vào năm 2020 đã phải đối mặt với làn sóng phản đối trong những tháng gần đây trong bối cảnh dân chúng thất vọng về các vụ giết hại dân thường và binh lính của các nhóm vũ trang, trong đó có một số có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và mạng lưới Al-Qaeda. Quân đội của Burkina Faso đã bị tổn thất nặng nề dưới tay của các chiến binh Hồi giáo, những người kiểm soát các vùng đất của đất nước và buộc cư dân ở những khu vực đó phải tuân theo phiên bản luật Hồi giáo hà khắc.
Adama Gaye, một nhà bình luận chính trị người Senegal nhận định rằng “sự thất bại trong việc cầm quyền” là trọng tâm của những sự kiện gần đây ở Burkina Faso.