Bứt phá nghệ thuật của Đoàn nghi lễ CAND

Ngày 11/10, Đoàn Nghi lễ CAND thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động đã có buổi biểu diễn thành công, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả theo dõi Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023.

Tuy nhiên, ít ai biết, đây là lần đầu tiên, các nghệ sĩ, chiến sĩ của Đoàn Nghi lễ CAND có dịp tham gia một hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, với nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Thành công, mới mẻ và có nhiều bất ngờ là nhận định chung của nhiều người xem, nhất là những người trong giới chuyên môn, từng có nhiều dịp gắn bó với các hoạt động văn hóa văn nghệ trong lực lượng CAND nói chung, Đoàn Nghi lễ CAND nói riêng.

Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ Đoàn Nghi lễ CAND dự hội diễn chuyên nghiệp, có nhiều đoàn nghệ thuật uy tín tham gia.

Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ Đoàn Nghi lễ CAND dự hội diễn chuyên nghiệp, có nhiều đoàn nghệ thuật uy tín tham gia.

Nhạc sĩ Cao Đình Thắng, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, trong chương trình biểu diễn của Đoàn Nghi lễ CAND lần này, anh phối khí lại tác phẩm “Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam” của nhạc sĩ Trần Gia Cường – tiết mục kết thúc chương trình. Trước đây, ca khúc này từng được chọn biểu diễn rất nhiều. Tuy nhiên, đây là hội diễn chuyên nghiệp, đề cao chuyên môn, nên ngoài yếu tố hào hùng của lực lượng CAND thì phải có yếu tố nghệ thuật và phải phù hợp với Đoàn Nghi lễ CAND. Bản phối vừa đòi hỏi về mặt kỹ thuật, vừa yêu cầu phải hay, tôn vinh được lực lượng CAND.

Hơn nữa, nhắc đến Đoàn Nghi lễ CAND, khán giả thường nghĩ Đoàn chỉ diễn các chương trình phục vụ hội nghị, các chương trình phục vụ chính trị, phục vụ cộng đồng. Việc tham gia Hội diễn chuyên nghiệp là thách thức với chính các nghệ sĩ. Tuy nhiên, kết quả biểu diễn đã cho thấy sức bật mới, khả năng mới của các nghệ sĩ khi trình diễn tại các sân chơi nghệ thuật lớn có tính chuyên nghiệp cao.

Nhạc sĩ Trần Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cũng cho hay, ông đã theo dõi nhiều chương trình biểu diễn của Đoàn Nghi lễ CAND và không khó để nhận thấy những bước chuyển về chất lượng nghệ thuật rất rõ ràng của Đoàn tại Hội diễn lần này.

Có một yếu tố khá đặc biệt mà ông chú ý là sự xuất hiện của dàn trống định âm trong dàn nhạc giao hưởng trong chương trình. Đây là nhạc cụ mới được trang bị cho Đoàn cách đây không lâu, trong dịp Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022. Việc sử dụng và phát huy được dàn trống này trong dàn nhạc giao hưởng không dễ, nhưng các nghệ sĩ Đoàn Nghi lễ CAND đã rất tự tin và phát huy rất tốt.

Cũng theo nhạc sĩ Trần Hải Đăng, các chương trình của Đoàn Nghi lễ CAND tại Hội diễn là biểu diễn hòa nhạc cho khán giả xem ở trong nhà hát. Hòa nhạc đòi hỏi chuyên môn rất cao, kỹ thuật tinh tế, mới đạt được chất lượng nghệ thuật như mong muốn. Trong chương trình biểu diễn lần này, các nghệ sĩ, chiến sĩ của Đoàn Nghi lễ CAND đã làm được, bài bản rõ ràng. Chương trình có khá nhiều tiết mục độc đáo khi biểu diễn những tác phẩm viết cho quân nhạc, chuyển soạn từ ca khúc sang.

Tác phẩm “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” được NSƯT Kim Xuân Hiếu, Phó Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam phối đi phối lại nhiều lần mới cho kết quả cuối như tại chương trình. Tác phẩm “Vì Tổ quốc bình yên” được nhạc sĩ Cao Việt Bách viết cho khí nhạc, rất hay, có những đoạn thể hiện người nông dân nói chuyện với nhau qua solo của nhạc cụ. Thường thì chỉ những dàn nhạc lớn mới chọn biểu diễn tác phẩm đẳng cấp này, nhưng dàn quân nhạc của Đoàn đã biểu diễn tương đối thành công.

Là một trong số ít chương trình biểu diễn mang màu sắc riêng biệt của lực lượng CAND tại Hội diễn, chương trình biểu diễn của Đoàn Nghi lễ CAND cũng được đánh giá là có nhiều thành công, mang đến sự tươi mới, có phần độc đáo, nhất là các tiết mục biểu diễn tích hợp giữa dàn nhạc kèn của phương Tây với nhạc cụ dân tộc Việt Nam, sự kết hợp giữa âm nhạc mang tính bác học hòa quyện với âm nhạc dân gian Việt Nam.

Tuy nhiên, như chia sẻ của Thượng tá Trịnh Anh Thông, Phó trưởng Đoàn Nghi lễ CAND, Tổng đạo diễn chương trình thì đây là lần đầu tiên Đoàn tham gia Hội diễn chuyên nghiệp có quy mô tương đối lớn và rất áp lực. Với vai trò, trách nhiệm của lực lượng CAND, cán bộ, chiến sĩ, nhạc công, diễn viên luôn phấn đấu để làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt kết quả như kỳ vọng của các lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động khi tham gia Hội diễn. Trước đó, Đoàn từng tham gia một số chương trình hòa nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm.

Nhưng dàn dựng chương trình dự Hội diễn có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn nhằm đảm bảo yêu cầu cao của nghệ thuật chuyên nghiệp trên một sân chơi chuyên nghiệp. Để có kết quả biểu diễn hiện nay, các nghệ sĩ đã nỗ lực tập luyện, cố gắng đến 150%. Đây là dịp để khẳng định và thể hiện niềm tự hào được mang “màu cờ sắc áo” của các nghệ sĩ Công an nói chung, Đoàn Nghi lễ CAND, lực lượng Cảnh sát Cơ động nói riêng.

Các chỉ huy Đoàn và các thành viên biên tập đã rất lo lắng, cố gắng làm sao để kết hợp nhuần nhuyễn giữa dàn nhạc kèn và dàn nhạc dân tộc của Việt Nam, thể hiện tác phẩm tốt nhất, hay nhất, đồng thời làm nổi bật tính độc đáo của nhạc cụ dân tộc Việt Nam với khán giả. Những nghệ sĩ solo cũng rất áp lực nên ngoài tập luyện chung, phải tranh thủ cả giờ nghỉ ngơi để tập riêng.

Cũng theo Thượng tá Trịnh Anh Thông, các sân chơi có tính chuyên nghiệp cao là dịp rất tốt để các nhạc công, diễn viên được trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn trong biểu diễn. Khi ít được tham gia các sự kiện như liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp cũng là một sự thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Hy vọng, trong thời gian tới, Đoàn sẽ có nhiều cơ hội tham gia những sân chơi dành cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để nghệ sĩ được nâng cao trình độ biểu diễn, phục vụ tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của cán bô, chiến sĩ và nhân dân.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/but-pha-nghe-thuat-cua-doan-nghi-le-cand-i710039/