Bứt phá tăng năng suất lao động

Đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc nâng cao năng suất lao động trở thành ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp (DN).

Nhiều doanh nghiệp chú trọng nâng cao tay nghề, đẩy mạnh tăng năng suất cho người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều doanh nghiệp chú trọng nâng cao tay nghề, đẩy mạnh tăng năng suất cho người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022). Theo đánh giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện. Năng suất lao động năm 2022 theo giá hiện hành đạt 188,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,8% so với năm trước. Tuy nhiên, trước thực trạng năng suất lao động Việt Nam chưa cao, đời sống của nhiều bộ phận người lao động vẫn còn gặp khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp động viên người lao động tích cực cống hiến, cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động.

TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những ngành có năng suất lao động cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như: Đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng cũng như tăng quy mô của DN.

“Chỉ khi tỷ trọng lao động trong DN tăng lên thì năng suất lao động mới tăng nhanh và bền vững. Bởi vì, người lao động được chăm lo tốt hơn thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể; người lao động cam kết lâu dài hơn nên có động lực để nâng cao năng lực trình độ để tăng năng suất lao động; DN có năng lực tốt hơn trong nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, công nghệ để tăng năng suất lao động” - ông Tú Anh nhấn mạnh.

Là công nhân trực tiếp sản xuất, chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội thuộc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, năng suất lao động nước ta còn có thể nâng cao nhiều hơn nữa, nếu từng DN, từng người lao động luôn nỗ lực hằng ngày. Mỗi công nhân, dù làm những công việc rất bình thường nhưng phải có mục tiêu, khát vọng và cả lòng tự trọng. Phải thường xuyên học hỏi, trau dồi kỹ năng, tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ. “Chỉ khi nâng cao năng suất, người lao động mới có cơ hội nâng cao thu nhập, giảm thời giờ làm việc để chăm sóc gia đình, con cái và tái tạo sức lao động. Do đó, tôi ý thức mình cần phải quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ, làm thế nào để tăng năng suất, làm thế nào để tay nghề ngày càng nhanh hơn” - chị Hạnh nói.

TS Phạm Thu Lan - Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho rằng, năng suất của các yếu tố khác đều phụ thuộc vào yếu tố lao động. Người lao động không có kỹ năng thì mong muốn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy, người lao động phải không ngừng học tập, trao đổi kinh nghiệm làm việc. Nếu không học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, tăng năng suất lao động, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động để từng bước xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, giai đoạn năm 2019-2023” đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đó, giúp cho người lao động nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và yên tâm công tác.

TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những ngành có năng suất lao động cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực.

Phương Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/but-pha-tang-nang-suat-lao-dong-10282592.html