Bứt phá thực hiện vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội
L.T.S: 2024 là năm cuối thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các huyện, thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tổng thể kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu thành phần đề ra. Mỗi địa phương có những cách làm khác nhau song đến thời điểm này, nhiều chỉ tiêu nghị quyết được Đảng bộ các huyện, thành phố thực hiện đạt và vượt, trong đó có những chỉ tiêu đạt rất cao. Trước thềm năm mới 2025, phóng viên Báo Lai Châu có cuộc trao đổi với Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy về giải pháp đột phá để lãnh, chỉ đạo thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra.
Thay đổi nhận thức, ý thức người dân về phát triển rừng
Đồng chí Lý Anh Hừ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Tè: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, hiện Mường Tè đã có 10/12 chỉ tiêu chủ yếu, 18/28 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt. Trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng phấn đấu hết nhiệm kỳ đạt 65,5% nhưng hết năm 2024 đã đạt 67,44%. Để nâng tỷ lệ che phủ rừng, huyện thực hiện nhiều giải pháp, trọng tâm là chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cấp huyện, cấp xã; ban hành kế hoạch, quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ rừng (BVR), PCCCR tại các xã, thị trấn; ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý, BVR, phát triển rừng và PCCCR. Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp và ký cam kết BVR để nhân dân, các chủ rừng chấp hành nghiêm các quy định về PCCCR. Bên cạnh đó, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng: công an xã, kiểm lâm địa bàn, Ban CHQS, các đồn biên phòng, tổ chuyên trách BVR-PCCCR, tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm tra rừng. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tham mưu xử lý các vụ phá rừng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật.
Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên. Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng các quy định. Chú trọng theo dõi diễn biến rừng và thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thực tế cho thấy, trong các giải pháp được triển khai thì việc thay đổi nhận thức, ý thức của người dân về phát triển rừng, phòng chống cháy rừng là giải pháp quan trọng nhất góp phần giúp huyện Mường Tè nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, tăng diện tích đất có rừng.
Ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh, chỉ đạo
Đồng chí Tống Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lai Châu: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Lai Châu nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay thành phố đã có 21/28 chỉ tiêu thành phần, ước thực hiện đến hết nhiệm kỳ có 24/28 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, trong đó có chỉ tiêu xây dựng khu dân cư tự quản, phát triển toàn diện, xây dựng tuyến phố văn minh. Để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu này, thành phố triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, việc Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng khu dân cư tự quản, phát triển toàn diện là giải pháp quan trọng nhất, có tính chất quyết định đến việc thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu này.
Cụ thể, BCH Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ThU, ngày 22/9/2020 về xây dựng khu dân cư tự quản, phát triển toàn diện, giai đoạn 2020-2025 để lãnh đạo; chỉ đạo các liên chi bộ, đảng bộ cơ sở xây dựng Đề án giúp bản phát triển giai đoạn 2020-2025 và xây dựng kế hoạch giúp bản hằng năm. Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở các tổ dân phố, bản; lồng ghép bố trí hợp lý nguồn ngân sách thành phố để hỗ trợ hoạt động của khu dân cư; khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng khu dân cư tự quản, phát triển toàn diện. Chỉ đạo các xã, phường nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung tự quản về quản lý đô thị, đất đai và tài nguyên môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, thành phố có 28 tổ dân phố, bản đạt tiêu chuẩn, tiêu chí tự quản, phát triển toàn diện, đạt gần 108% kế hoạch; 85,5% tuyến phố đạt tuyến phố văn minh, đạt 107% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.
Chính quyền đồng hành cùng người dân
Đồng chí Bùi Huy Phương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân Uyên: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Uyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, hiện Tân Uyên có 27/39 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt. Trong đó chỉ tiêu đạt cao là thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 25 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Để sản phẩm được công nhận và duy trì, phát triển lâu dài, chính quyền luôn đồng hành cùng người dân trong quá trình thực hiện. Ngoài tuyên truyền rộng rãi đến các chủ thể OCOP, huyện chỉ đạo việc đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), trong đó UBND hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu các sản phẩm OCOP; tham gia các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm đối tác hợp tác liên doanh liên kết phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận tiếp tục duy trì đạt sản lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Doanh thu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất kinh doanh tăng 5% - 10% so với trước khi được chứng nhận OCOP. Doanh số tăng đã làm gia tăng giá trị, sản lượng sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của các địa phương tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo về chất lượng, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Ở đâu có quần chúng, ở đó có đảng viên
Đồng chí Mùa A Trừ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nậm Nhùn nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay Nậm Nhùn có 23/30 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt, trong đó đã kết nạp được 367/300 đảng viên, vượt 122,3% so với chỉ tiêu nghị quyết. Để đạt được thành tích đó, Huyện ủy triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Một là, bám sát Đề án số 01-ĐA/HU và các Kế hoạch của BCH Đảng bộ huyện về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhằm đẩy mạnh việc tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên, bảo đảm cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý; tạo nguồn cán bộ trẻ cho hệ thống chính trị các cấp. Phát triển đảng theo phương châm “ở đâu có tổ chức thì cần có tổ chức đảng, ở đâu có quần chúng thì ở đó có đảng viên để lãnh đạo”. Hai là, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, phân công nhiệm vụ cho các bí thư, phó bí thư các chi bộ, đảng bộ cơ sở; các đồng chí ủy viên BCH đảng bộ xã, thị trấn phụ trách chi bộ bản, tổ dân phố trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục kết nạp Đảng; thường xuyên quan tâm, sát sao việc bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên. Ba là, quan tâm, chỉ đạo đầu tư, triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội để ổn định cuộc sống. Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên, từ đó củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bốn là, chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở tạo phong trào thi đua trong toàn đảng bộ, qua đó phát hiện quần chúng ưu tú, bồi dưỡng kết nạp đảng, chú trọng các chi bộ ít đảng viên, các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Năm là, hằng năm chỉ đạo chi bộ, đảng bộ cơ sở rà soát, thống kê lại lực lượng đoàn viên thanh niên và quần chúng ưu tú trên địa bàn dân cư để có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ. Tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các trường học, học sinh, sinh viên tốt nghiệp về địa phương. Sáu là, tiếp tục bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên trong công dân nhập ngũ, hạ sỹ quan, chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch
Đồng chí Tẩn Thị Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Đường: Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Tam Đường giai đoạn 2020-2025; đến hết năm 2024, huyện Tam Đường đã duy trì, phát triển 4 nghề thủ công truyền thống (dệt dân tộc Lự; mây tre đan tại các xã: Bản Giang, Hồ Thầu, Tả Lèng; nghề làm mũ từ lông đuôi ngựa dân tộc Dao tại xã Hồ Thầu; nghề rèn dân tộc Mông tại xã Khun Há); chỉ đạo khôi phục, bảo tồn, phát triển, duy trì được 9 lễ hội truyền thống; đạt 260% so với Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy và 200% so với Nghị quyết số 03-NQ/HU của Huyện ủy về duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống; đạt 450% so với Nghị quyết số 03-NQ/HU của Huyện ủy về khôi phục, bảo tồn, phát triển, duy trì lễ hội truyền thống.
Đạt được kết quả đáng mừng trên là do BCH Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp. Trọng tâm là tăng cường tuyên truyền, vận động, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tập trung đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách huyện, tỉnh cấp, các chương trình mục tiêu quốc gia, xã hội hóa vào khôi phục, bảo tồn, duy trì, phát triển lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch, hình thành nên một chuỗi khám phá du lịch văn hóa trải nghiệm nghề truyền thống, lễ hội truyền thống trên toàn huyện, hướng tới mỗi xã có một lễ hội truyền thống trải dài trong thời gian từ đầu năm đến cuối năm. Quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để biến những di sản văn hóa này thành sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, thu hút du khách. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhất là việc tổ chức lễ hội truyền thống.
Giao nhiệm vụ cụ thể ngay từ đầu năm
Đồng chí Lò Văn Hương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Than Uyên: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay Than Uyên có 6/9 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, 25/31 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt. Trong đó, chỉ tiêu thu ngân sách phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 60 tỷ đồng thì đến cuối năm 2024 đã đạt trên 63 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
“Bí quyết” của huyện để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu này đó là, trước khi xây dựng chỉ tiêu giao thu ngân sách hàng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát kỹ các nguồn thu, đặc biệt là các nguồn có khả năng thu cao và một số nguồn thu dự báo thu thấp, trên cơ sở đó giao chỉ tiêu sát, phù hợp, cụ thể với từng địa phương, đơn vị ngay từ đầu năm. Hằng năm, chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng trong thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách. Quan tâm khai thác các nguồn thu phát sinh để thu nộp ngân sách đúng quy định, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn để cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện hoạt động thuận lợi, phát triển, qua đó đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương hằng năm.
Huyện cũng quan tâm cải thiện môi trường đầu tư. Thực hiện thu đúng, thu đủ, chống thất thu; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai hóa đơn điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại, chuyển nhượng bất động sản, hoàn thuế và thu hồi nợ thuế. Làm tốt công tác quản lý, điều hành thu chi ngân sách, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, đảm bảo thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên các dự án khả thi và có tiến độ tốt. Chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.
Giải pháp quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người
Đồng chí Vừ A Tiến - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ: Đến thời điểm này, Sìn Hồ có 28/35 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa: 82%, đạt 102,50% nghị quyết (tăng 3% so với năm 2020); tỷ lệ bản, khu phố văn hóa: 93%, đạt 124% nghị quyết (tăng 11% so với năm 2020)... Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu này, BCH Đảng bộ huyện đã lãnh, chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: tiếp tục làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phong trào ngày càng phát triển và phát huy hiệu quả trong đời sống nhân dân. Lồng ghép phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu và các giải pháp thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vào nghị quyết của các cấp ủy đảng để tập trung lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Quan tâm giữ gìn và tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng, tổ chức các lễ hội truyền thống kết hợp với việc tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, vùng miền. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội thông tin lưu động, đội văn nghệ quần chúng. Đẩy mạnh hoạt động này vào từng địa bàn cơ sở nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần lành mạnh cho nhân dân.
Tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở; đổi mới nội dung hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Khơi dậy sức sáng tạo, chủ động của người dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng. Lan tỏa sâu rộng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, bản, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Đây chính là một trong những giải pháp chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Do đó, những năm qua Huyện ủy Sìn Hồ luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo UBND huyện tham mưu để nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, công chức văn hóa ở cơ sở đủ năng lực và phẩm chất đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
Đồng chí Đinh Quang Tuấn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Thổ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, đến thời điểm này Phong Thổ có 28/51 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 54,9%/tổng số trường, vượt 0,9% so với nghị quyết (tăng 14 trường, 27,45% so với nhiệm kỳ trước).
Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này, huyện tăng cường tuyên truyền về chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng các kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tế của huyện; thông qua Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021- 2025. Ưu tiên nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động và tạo sự đồng thuận của các tổ chức xã hội, các bậc phụ huynh và toàn xã hội tham gia thực hiện đề án trường chuẩn. Quan tâm tổng kết, đánh giá tiến độ, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện để tạo động lực cho các đơn vị khác.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, giao quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm cho các trường. Chuẩn hóa bộ máy quản lý và nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Cùng với đó, quy hoạch, giao đất cho các trường học đảm bảo diện tích theo quy định của trường đạt chuẩn quốc gia ở từng cấp học. Đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại. Phát triển mô hình trường học bán trú. Đảm bảo các tiêu chí trường chuẩn được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với đặc thù vùng miền núi.