Bứt phá trong khó khăn, GDP của Việt Nam năm 2024 tăng 7,09%

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09% trong năm 2024, vượt xa các dự báo và trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực.

Tại buổi Họp báo công bố số liệu Thống kê kinh tế-xã hội quý 4 và năm 2024 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 6/1, bức tranh kinh tế Việt Nam năm qua đã được phác họa về sự phục hồi mạnh mẽ cùng những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và người dân. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09% đã vượt mục tiêu đề ra đồng thời khẳng định vị thế của quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới.

GDP tăng trưởng ấn tượng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương mở đầu buổi họp báo bằng một nhận định khái quát về bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024: “Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Xung đột quân sự tiếp tục leo thang, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ thương mại, nợ công và thâm hụt ngân sách gia tăng, sự tụt dốc của một số nền kinh tế lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ. Những điều này đã tác động đến hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế."

 Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. (Ảnh: Vietnam+)

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đã tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý.

GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.

Cụ thể, GDP quý 4 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một con số ấn tượng và chỉ thấp hơn quý 4 các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024. Điều này cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Đáng chú ý hơn, tốc độ tăng trưởng GDP giữa các quý cũng cho thấy sự tăng tốc liên tục, quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 5,98%, quý 2 tăng 7,25%, quý 3 tăng 7,43%), tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng cả năm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sự tăng trưởng của GDP được đóng góp từ cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, dù chịu ảnh hưởng của thiên tai vẫn đạt mức tăng trưởng 3,27%, đóng góp 5,37% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%. Riêng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, thể hiện vai trò trụ cột của ngành trong tăng trưởng. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%, với sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động thương mại, du lịch.

Nhấn mạnh khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chỉ ra các ngành dịch vụ thị trường như bán buôn và bán lẻ, vận tải, kho bãi, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, dịch vụ lưu trú và ăn uống… đều có mức tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Do đó, nền kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn ghi nhận sự cải thiện đáng kể về thu nhập bình quân đầu người. Kết quả, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 đã đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. Như vậy, GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Điểm nổi bật khác, năng suất lao động của toàn nền kinh tế cũng tăng 5,88% so với năm trước, cho thấy chất lượng tăng trưởng cũng đang được cải thiện.

 Năng suất lao động của toàn nền kinh tế cũng tăng 5,88% so với năm trước, cho thấy chất lượng tăng trưởng cũng đang được cải thiện.(Ảnh: Vietnam+)

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế cũng tăng 5,88% so với năm trước, cho thấy chất lượng tăng trưởng cũng đang được cải thiện.(Ảnh: Vietnam+)

Ưu tiên chính sách tiền tệ linh hoạt

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Song, bà cũng lưu ý để đạt được mục tiêu này cần có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Để duy trì đà tăng trưởng và vượt qua những thách thức phía trước, Tổng cục Thống kê đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, từ đó kiểm soát giá cả, thị trường đồng thời bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các cấp quản lý theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam, từ đó chủ động có các phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Thứ hai, các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Cụ thể là tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông quan trọng.

 Giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu dùng trong nước. (Ảnh: Vietnam+)

Giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu dùng trong nước. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ ba là thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu dùng trong nước.

Thứ tư là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các cấp quản lý tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý. Chính sách ưu tiên hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Thứ năm là thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn.

Thứ sáu là tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch đồng thời chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thứ bảy là an sinh xã hội, trong đó thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm và công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai.

Năm 2024 khép lại với những thành tựu đáng tự hào về tăng trưởng kinh tế, một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Kết quả này không chỉ là con số mà còn là sự nỗ lực, quyết tâm của cả đất nước.

Bước sang năm 2025, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng với những định hướng và giải pháp đã được vạch ra, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một năm mới với nhiều thành công và những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển./.

 Các cấp cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn. (Ảnh: Vietnam+)

Các cấp cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn. (Ảnh: Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/but-pha-trong-kho-khan-gdp-cua-viet-nam-nam-2024-tang-709-post1006011.vnp