Tiền Việt Nam biến động ra sao?
Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2024 tiền đồng Việt Nam chỉ biến động ở mức 5,03%, mức biến động trung bình thấp so với các nước trong ASEAN và khu vực - như đồng won Hàn Quốc, yên Nhật, đô la Đài Loan - Trung Quốc đều mất giá trên 10%.
Tăng trưởng tín dụng cao hơn mục tiêu
Chiều 7/1, tại họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, năm 2024 tín dụng nền kinh tế tăng 15,08%. Tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Năm 2024, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm 2024 là tín dụng tăng 14-15%. Con số đạt được là 15,08%. Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%.
Tuy nhiên, theo ông Tú, 16% là con số định hướng, không phải con số pháp lệnh. "Tín dụng nền kinh tế có thể tăng 15-17%, thậm chí 18%... với mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tiền đồng, ổn định tỷ giá", ông Tú nói.
Tăng trưởng tín dụng 16% không phải mục tiêu cuối cùng, chỉ là con số đặt ra phù hợp với bối cảnh hiện tại. "Quan trọng là tín dụng đi vào lĩnh vực nào và tăng trưởng tín dụng vào toàn nền kinh tế, không để các tổ chức tín dụng tăng trưởng nóng", ông Tú nói.
Ông Tú cho biết sẽ điều hành phù hợp với tình hình thực tế. Trong bối cảnh các ngân hàng cần mở thêm room, phía Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng mở. "Nếu khả năng nền kinh tế tiếp cận được, chúng tôi sẵn sàng mở", ông Tú nêu và cho biết, sẽ điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp.
Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện chính sách để đảm bảo cho việc quản lý của Nhà nước, quyền lợi của người kinh doanh vàng và người dân", ông Tú nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng tiền Việt biến động ở mức thấp
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, hai quý đầu năm 2024, thị trường ngoại tệ có những biến động, tuy nhiên sau đó đã bình ổn. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, tỷ giá có nhiều biến động, đến cuối năm 2024, chỉ số USD tăng đến hơn 7% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tiền đồng Việt Nam chỉ biến động ở mức 5,03%, mức biến động trung bình thấp so với các nước trong ASEAN và khu vực - như đồng won Hàn Quốc, yên Nhật, đô la Đài Loan - Trung Quốc đều mất giá trên 10%.
Theo ông Quang, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng điều phối chính sách để giữ vững ổn định được lãi suất, nhưng đồng thời kiểm soát được tỷ giá.
Liên quan hiện tượng lãi suất tiền gửi tiết kiệm khác nhau giữa các chi nhánh ngân hàng, có trường hợp lãi suất huy động tại chi nhánh này cao hơn chi nhánh khác, nhưng không ghi vào sổ tiền gửi mà lại được thông báo riêng qua tin nhắn, ông Quang nhấn mạnh: “Lãi suất dựa theo cung cầu của thị trường, tuy nhiên phải tuân thủ quy trình nội bộ của ngân hàng và quy định của Ngân hàng Nhà nước”.
Theo ông Quang, thông tư 47 và thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước quy định trong trường hợp tổ chức tín dụng nhận tiền gửi của khách hàng phải có quy trình chặt chẽ và hướng dẫn nội bộ.
Với trường hợp như phản ánh, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát về trường hợp cụ thể và làm rõ xem thông tư được triển khai như thế nào, quy trình nội bộ của ngân hàng được tuân thủ ra sao.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tien-viet-nam-bien-dong-ra-sao-post1707663.tpo