Bứt phá từ các công trình giao thông trọng điểm

Kỳ 2: Tạo thế và lực hướng tới tương lai tươi sáng

Cụ thể hóa Chương trình hành động số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, khởi công mới các dự án hạ tầng giao thông (HTGT) trọng điểm, có tính liên kết vùng, khu vực và quốc gia. Từ đó, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng, lợi thế, giúp Vĩnh Phúc tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

Liên danh nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Vĩnh Phú kết nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc-Phú Thọ, phấn đấu đến 30/4/2023 thông xe kỹ thuật

Liên danh nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Vĩnh Phú kết nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc-Phú Thọ, phấn đấu đến 30/4/2023 thông xe kỹ thuật

Để các dự án HTGT trọng điểm được triển khai đúng lộ trình, đặc biệt là các công trình được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt, ngành GTVT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT- GPMB).

Xây dựng quy chế phối hợp quản lý giữa các sở, ban, ngành và các địa phương để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, cấp thoát nước, điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc).

Chủ động phối hợp, làm việc với các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang để đề xuất với Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch GTVT quốc gia các tuyến giao thông kết nối khu vực (điều chỉnh tuyến Quốc lộ 2B nối sang tỉnh Thái Nguyên và kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 2 của Thành phố Hà Nội).

Tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt quan tâm chỉ đạo giải ngân đối với các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển KT - XH của tỉnh.

Nhờ hiện thực hóa chiến lược đầu tư xây dựng các công trình HTGT trọng điểm, kinh tế của Vĩnh Phúc có sự tăng trưởng ấn tượng. Giai đoạn 1997 – 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân tăng hơn 13%/năm, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người nhiều năm liền vượt mức bình quân của cả nước (năm 2020 đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước).

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh tăng hơn 10% so cùng kỳ năm 2021 và nằm trong tốp 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

Một trong những công trình HTGT trọng điểm của tỉnh là dự án xây dựng cầu Vĩnh Phú qua sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với Phú Thọ, do Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng (BQLDA&ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư; liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam và Công ty Quảng Lợi thi công, tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng.

Với sự đồng thuận lớn của người dân vùng dự án và sự nỗ lực của chủ đầu tư cùng liên danh nhà thầu, thời điểm này, dự án đã thi công xong 8/10 trụ, khối lượng hoàn thành khoảng 35%.

Ông Nguyễn Trung, thôn Nam Giáp, xã Đức Bác (Sông Lô) phấn khởi chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện kiểm đếm, quy chủ, hỗ trợ BT - GPMB, tôi và các hộ trong thôn sẵn sàng bàn giao đất để nhà thầu có quỹ đất sạch, kịp thời triển khai thi công dự án. Cầu Vĩnh Phú được xây dựng đã thỏa lòng mong đợi của nhân dân sau bao năm “gánh đò qua sông” ”.

Cầu Đầm Vạc đã hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân

Cầu Đầm Vạc đã hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân

Nói về tiến độ công trình, anh Cấn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban điều hành dự án cho biết: “Chúng tôi thường xuyên bố trí 100 công nhân, chia thành nhiều mũi thi công trên đất liền và bệ trụ, cấu kiện dưới sông.

Nếu thời tiết thuận lợi và mặt bằng thi công thuộc phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) được bàn giao kịp thời trong tháng 7/2022, chúng tôi sẽ tăng cường nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thi công mố M1 và trụ T1 còn lại bên phía thành phố Việt Trì, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào dịp 30/4/2023”.

Đồng chí Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban QLDA&ĐTXD các công trình giao thông tỉnh chia sẻ: “Cầu Vĩnh Phú là dự án giao thông quan trọng, được các cấp chính quyền trong tỉnh nói chung và nhân dân các địa phương trên địa bàn huyện Sông Lô nói riêng đặt nhiều kỳ vọng.

Vì thế, trong quá trình thi công, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế tích cực phối hợp với liên danh nhà thầu bám sát tiến độ dự án, rà soát từng hạng mục và nhu cầu vốn... kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chất lượng và mỹ thuật công trình”.

Ở thời điểm hiện tại, hệ thống HTGT của tỉnh phân bố khá hợp lý, mạng lưới giao thông đối nội (hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, giao thông nông thôn) kết nối với mạng lưới giao thông đối ngoại (hệ thống đường liên tỉnh, đường quốc gia) được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải của người dân.

Giai đoạn 2021 – 2025, Vĩnh Phúc dành hơn 19.500 tỷ đồng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực GTVT, như: Đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc; đường song song đường sắt từ cầu Hạc Trì đến Phúc Yên (cả hai bên); đường gom Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì; đường trục Đông – Tây đô thị Vĩnh Phúc; các đường vành đai (hoàn thiện mặt cắt quy hoạch và khép kín); cầu vượt đường sắt trên đường Kim Ngọc và Nguyễn Tất Thành (Vĩnh Yên); cải tạo, nâng cấp ĐT.310C, đoạn từ Quốc lộ 2C đến Quốc lộ 2B...

Đặc biệt là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2A đoạn từ cầu Xuân Phương (Phúc Yên) đến thành phố Vĩnh Yên dự kiến khởi công trong năm 2023 với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Từ đó, góp phần hình thành các trục công nghiệp dọc theo các các tuyến giao thông trọng điểm, phù hợp với nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 "Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc". Kỳ vọng giai đoạn mới phát triển KT-XH tỉnh nhà hướng tới tương lai tươi sáng.

Bài, ảnh: Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81425/but-pha-tu-cac-cong-trinh-giao-thong-trong-diem.html