Bứt tốc phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội
Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước. Hơn bất kỳ đâu, vai trò của giao thông đặc biệt quan trọng với Hà Nội. 'Mạch máu' giao thông có phát triển, thì kinh tế mới phát triển, Thủ đô mới có thể hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, có thực tế nan giải là hiện tỉ lệ đất dành cho giao thông thấp, mật độ dân số lại tập trung cao… đây là 'bài toán' khó mà Hà Nội đang phải đối mặt.
Yêu cầu cấp bách
Ùn tắc giao thông là một trong những vấn đề nhức nhối của Thủ đô. Vào khung giờ cao điểm, không khó để chứng kiến những cung đường ken đặc xe cộ, nối đuôi nhau di chuyển từng chút một. Khu vực đường Vành đai 3 là ví dụ. Tại cung đường này, hình ảnh hàng dài ô tô nối đuôi nhau chờ lên Vành đai 3 đã không còn quá xa lạ. Theo những tài xế thường xuyên lưu thông trên cung đường này, một va chạm nhẹ hoặc một phương tiện gặp sự cố cũng đủ khiến tuyến đường ùn ứ. Thứ nữa, khi xe lên được đường trên cao thì việc di chuyển cũng hết sức hạn chế. Phương tiện chỉ đi được khoảng 10-30km/h thay vì tốc độ cho phép tối đa theo thiết kế chuẩn cao tốc là 80km/h.
Ùn tắc ngay trên trục giao thông giải tỏa áp lực ùn tắc, nghịch lý này cũng đang diễn ra tại nhiều khu vực nội đô. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã xóa được 8/35 điểm đen ùn tắc, nhưng với số lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng này.
Bàn về nguyên nhân, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc phát triển hạ tầng giao thông hiện nay đang bất cập khi đô thị phát triển nhưng đường sá và giao thông không được phát triển đồng bộ. Cụ thể, theo Luật Giao thông đường bộ, với một tốc độ phát triển như những năm gần đây thì hạ tầng giao thông phải đạt được từ 16 - 25%, nhưng hiện nay thì con số đó đang ở dưới 10%. Đây là một sự bất cập. Ngoài ra, vấn đề phải đối mặt nữa chính là sự phát triển giữa các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng tập trung quá dày đặc trên một khu vực. Khu chung cư, đô thị phát triển quá mạnh, trong khi đó hạ tầng giao thông lại “đuối hơi”, không theo kịp sự phát triển. Hệ lụy nhãn tiền là ùn tắc.
Thực tế, để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội đã chủ động nhiều giải pháp để can thiệp. Chẳng hạn, theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đơn vị đã bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an đảm bảo trật tự an toàn giao thông phục vụ công tác tổ chức giao thông trên tuyến phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) và tuyến phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Đông). Phối hợp tổ chức giao thông, phân luồng, hướng dẫn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực các dự án thi công công trình trọng điểm của Thành phố (Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, quận Hoàng Mai).
Cùng đó, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã bố trí lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội tại 51 vị trí, huy động 176 lượt cán bộ, công chức, thanh tra viên, nhân viên/ngày. Duy trì công tác phối hợp với các phòng, ban chức năng trực thuộc Sở, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nắm bắt tình hình về trật tự giao thông, trật tự đô thị tại các điểm nút giao thông, khu vực, tuyến đường có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông để kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phương án giải quyết; chủ động xây dựng phương án phối hợp với Ban duy tu (thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) để thông tin các sự cố về giao thông, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố; đảm bảo kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.
Đồng bộ hạ tầng, tăng cường kết nối
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, công tác phân luồng, điều tiết phương tiện được triển khai thời gian qua đã góp phần tích cực giảm thiểu ùn tắc. Tuy nhiên, đó chỉ là “phần ngọn” của vấn đề. Để giảm thiểu ùn tắc, việc phát triển hạ tầng giao thông vẫn là giải pháp căn cơ. Bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tại Hà Nội thời gian gần đây nhiều công trình giao thông đã được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao năng lực giao thông Thủ đô, tăng tính kết nối, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Tuyến đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội là ví dụ. Tuyến đang đếm ngược từng ngày đến mốc thông xe. Vành đai 2 là tuyến đường vành đai khép kín, đi qua nhiều quận trung tâm của Hà Nội, kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài nên thường xuyên phải đón lượng phương tiện rất lớn. Được biết, đường Vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở khi hoàn thành sẽ cùng tuyến đường dưới thấp góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tăng năng lực lưu thông, giúp phương tiện đi lại thuận tiện hơn. Hiện nay, các gói thầu xây lắp của dự án đã cơ bản hoàn thành. Quá trình triển khai, các đơn vị thi công thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, đoạn trên cao triển khai đến đâu, phần đường dưới thấp cũng hoàn thành theo để bảo đảm khi đưa vào khai thác được đồng bộ.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, với tuyến đường Vành đai 2 khi đưa vào khai thác sẽ tăng đáng kể năng lực lưu thông. Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là nút giao Ngã Tư Sở hiện thường xuyên xảy ra ùn tắc, trở thành nút cổ chai khi lượng phương tiện đổ về quá lớn. Điều này đặt ra nhu cầu cần tiếp tục nối dài Vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.
Với quan điểm giao thông vận tải đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô; hạ tầng giao thông sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển, ông Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng chia sẻ, hiện Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm Quốc gia được triển khai trên địa bàn Thành phố và một số địa phương lân cận. Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với mục tiêu xây dựng vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Với vai trò của mình, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Hà Nội sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác triển khai tuyến đường Vành đai 4. Sở cũng xác định rõ Vành đai 4 sẽ góp phần dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và kết nối đa chiều của các đô thị, tổ chức lại cơ cấu dân cư./.
Ông Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hằng ngày, hằng tuần Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đều tổ chức họp, đánh giá và theo dõi các điểm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô, để từ đó có phương án điều tiết phù hợp. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở và đưa vào khai thác, sử dụng. Kịp thời xử lý, tham mưu, đề xuất giải quyết các phương án khắc phục sự cố đường bộ theo đúng quy định, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/but-toc-phat-trien-ha-tang-giao-thong-ha-noi-150425.html