Bưu điện Bờ Hồ - 'Di sản' trong ký ức người Hà Nội

Dù đã được đổi tên thành VNPT Hà Nội nhưng tòa nhà Bưu điện Hà Nội – một địa danh nằm bên hồ Gươm, gắn với văn hóa, lịch sử Hà Nội từ hàng trăm năm nay – vẫn được người dân Thủ đô quen gọi là Bưu điện Bờ Hồ. Không chỉ là một địa danh, nơi đây đã trở thành di sản trong lòng người Hà Nội.

Tôi có niềm đam mê đặc biệt với Bờ Hồ, chỉ cần có chút thời gian rảnh là lại lên Bờ Hồ chơi, dù chỉ là đi dạo loanh quanh đường phố, ghé mấy hiệu sách, ăn cây kem Tràng Tiền, hay ngó chỗ này chỗ kia, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, hoặc đôi khi chỉ là ngồi ở một chiếc ghế ven hồ ngắm Tháp Rùa cổ kính chìm dần trong bóng chiều tà. Trong một buổi chiều lang thang Bờ Hồ như vậy, vừa đi lướt qua cửa bưu điện, tôi bất giác có ý nghĩ "lâu lắm rồi mình không đi gửi thư".

Bỗng dưng những ký ức, những kỷ niệm xưa cũ ùa về. Bưu điện Hà Nội, không chỉ trong ký ức tuổi thơ của riêng tôi mà trong lòng người Hà Nội nói chung, chắc hẳn không bao giờ thay đổi cách gọi xưa cũ là Bưu điện Bờ Hồ. Đó không chỉ là một biểu tượng của văn hóa – lịch sử thủ đô, mà đối với mỗi người dân Hà Nội, đó còn là "di sản" quý báu.

Bưu điện Bờ Hồ trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Bưu điện Bờ Hồ trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Nơi ấy là một trời kỷ niệm, gợi nhớ về những lần theo bố mẹ đi gửi và nhận thư, nhận điện tín, bưu phẩm hay thậm chí là những cuộc gọi hiếm hoi để nghe được tiếng người thân ở nước ngoài. Nơi ấy là một trời kỷ niệm với tiếng chuông đồng hồ đổ từng nhịp theo số giờ, mà những đứa trẻ như tôi thường bị xao lãng bởi vô vàn điều thú vị của tuổi thơ khó mà tập trung đếm đủ và đúng nhịp chuông...

Tôi vô thức bước vào trong bưu điện, vô thức muốn gửi cuốn sách mới mua cho một người bạn như một bưu phẩm. Có lẽ lần cuối cùng tôi vào đây để gửi một lá thư đã cách hơn một thập kỷ. Nhiều năm như vậy, nhưng khi tôi ngồi ghi lời đề tặng cho cuốn sách gửi bạn và ghi địa chỉ người nhận trên bì thư, dường như mọi thứ xưa cũ vẫn hiện hữu đâu đó quanh đây…

Được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1894-1899, Sở Bưu điện Hà Nội mang phong cách kiến trúc tân cổ điển, khá tương đồng với các công sở hành chính của Pháp thời bấy giờ. Giai đoạn cuối thế kỷ XIX là thời điểm người Pháp hoàn thiện mạng lưới viễn thông tại Việt Nam. Bưu điện Hà Nội đi vào hoạt động từ năm 1899 với đầy đủ các hình thức hoạt động: bưu chính, điện báo, điện thoại, có thể được xem là một cột mốc đánh dấu việc "hiện đại hóa" cách truyền thông tin tại Việt Nam so với những phương tiện thô sơ trước đó.

Tấm biển chứng tích văn hóa - lịch sử của Bưu điện Bờ Hồ.

Tấm biển chứng tích văn hóa - lịch sử của Bưu điện Bờ Hồ.

Trong chiến tranh, Bưu điện Hà Nội là địa điểm diễn ra nhiều trận đánh quan trọng. Một phần kiến trúc của cụm công trình này đã bị phá hủy, tuy nhiên Sở Bưu điện vẫn được chính quyền Hà Nội tiếp quản và đưa vào sử dụng sau năm 1954.

Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không bảo vệ bầu trời Hà Nội.

Năm 1976, tòa nhà chính của Sở Bưu điện Hà Nội đã được xây dựng lại trên nền công trình cũ và hoàn thành vào năm 1978 với kiến trúc hiện đại 5 tầng, quy mô bề thế chạy dọc phố Đinh Tiên Hoàng, đặc biệt điểm nhấn của tòa nhà này là cụm đồng hồ 4 mặt kèm theo hệ thống loa phóng thanh.

Trước đây, đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội bên bờ Hồ Hoàn Kiếm đánh nhạc vào 6 giờ – 12 giờ – 18 giờ và đánh chuông từ 6 đến 22 giờ hàng ngày. Mỗi tiếng, chiếc đồng hồ đổ chuông một lần, tiếng chuông ngân đó đã trở thành một phần hơi thở cuộc sống người Hà Nội… Vào thời trước, Hà Nội còn tĩnh lặng và cuộc sống chậm rãi đến lạ kỳ, chắc chắn không một người Hà Nội nào đi qua bưu điện vào đúng giờ chưa từng nghe tiếng chuông ngân vang, ấm áp như nhắc nhở sự hiện hữu của thời gian và không gian ấy.

Tiếng chuông đồng hồ Bưu điện dần bị tiếng xe, tiếng nhạc, tiếng ồn ào của cuộc sống hiện đại... lấp đi. Nhiều khi tôi đã không còn nghe thấy nó, dù vẫn ở chỗ cũ, nơi tôi đã từng nghe. Cho đến một ngày tiếng chuông ấy ngừng hẳn. Bưu điện Bờ Hồ vẫn đấy, đồng hồ Bưu điện vẫn quay nhưng đã không còn đổ chuông. Thậm chí, khi những chiếc điện thoại thông minh ra đời, nhiều người Hà Nội đã không còn thói quen nhìn lên đồng hồ Bưu điện để xem giờ, hay để chỉnh lại chiếc đồng hồ đeo tay của mình cho chuẩn giờ Bưu điện.

Một thùng thư trước cửa Bưu điện Bờ Hồ có lẽ đã không còn nhiều công dụng trong cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn là dấu ấn quen thuộc với nhiều người.

Một thùng thư trước cửa Bưu điện Bờ Hồ có lẽ đã không còn nhiều công dụng trong cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn là dấu ấn quen thuộc với nhiều người.

Nhưng trong tâm tưởng người Hà Nội, tiếng chuông ấy vẫn ngân vang đâu đó trong tiềm thức. Giống như tấm biển Bưu điện Hà Nội giờ không còn nữa, mà đã được thay bằng dòng chữ VNPT Hà Nội, nhưng trong ký ức, tôi vẫn mãi nhớ hình ảnh Bưu điện Hà Nội. Cách gọi Bưu điện Bờ Hồ không chỉ là ký ức của một trời tuổi thơ trong tôi, nó đã trở thành một khái niệm quen thuộc như một "di sản" mà lịch sử để lại cho Hà Nội.

Chúng tôi vẫn gọi nơi đó là Bưu điện Bờ Hồ…

An Lê

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/buu-dien-bo-ho-di-san-trong-ky-uc-nguoi-ha-noi-c17a75472.html