Bưu điện tỉnh Thanh Hóa nỗ lực thực hiện chuyển đổi số
Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu cho sự phát triển chung của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, để bắt nhịp xu thế và nâng cao hiệu quả hoạt động, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực CĐS nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng.
Với 3 mảng dịch vụ kinh doanh trụ cột chính là bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông đang được triển khai trên mạng lưới rộng khắp với hơn 78 điểm bưu cục cấp 1, 2, 3 và 570 điểm bưu điện – văn hóa xã trên địa bàn toàn tỉnh; các dịch vụ cung cấp đều tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo chất lượng cam kết với khách hàng, đặc biệt các dịch vụ bưu chính chuyển phát với nhiều công đoạn sản xuất, yêu cầu sự phối hợp chính xác, nhanh chóng giữa các đơn vị trên mạng lưới, đồng thời luôn phải đảm bảo an toàn hàng hóa bưu gửi trong mọi tình huống... Do đó, yêu cầu đặt ra trong công tác quản trị nội bộ và phục vụ khách hàng cần phải được liên tục đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để.
Trên cơ sở rà soát sắp xếp lại mạng lưới, con người, dịch vụ, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng dịch vụ. Cải tiến và đưa vào triển khai các hệ thống phần mềm như: hệ thống phần mềm MPIT; phần mềm Bưu chính chuyển phát; hệ thống phần mềm quản trị dòng tiền Paypost; triển khai các ứng dụng trên Smartphone được thiết kế riêng để phục vụ khách hàng như: App My Vietnam Post; các ứng dụng phục vụ cho công nhân khai thác nhằm nâng cao năng suất lao động... Hiện nay, trên hệ thống, để phục vụ đa dạng dịch vụ, yêu cầu quản lý và tác nghiệp sản xuất, Bưu điện tỉnh đang triển khai khoảng 10 hệ thống, phần mềm cơ bản, các hệ thống, phần mềm được cán bộ công nhân viên, người lao động vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả từ cấp Bưu điện tỉnh cho đến tận các điểm bưu điện - văn hóa xã.
Ngoài ra, tùy theo từng dịch vụ, công đoạn và yêu cầu quản lý, hàng năm Bưu điện tỉnh, các đơn vị trực thuộc và đặc biệt là bộ phận công nghệ thông tin luôn có những sáng kiến, phần mềm nhỏ nhằm hỗ trợ nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện, Bưu điện tỉnh có hơn 10 phần mềm sáng kiến được đưa vào triển khai và được tổng công ty áp dụng trên toàn mạng lưới, giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với mạng lưới rộng, trong những năm qua Bưu điện tỉnh đã quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống mạng; máy chủ, hệ thống máy tính, máy đọc mã vạch và smart phone để cấp cho các đơn vị quản lý và người lao động với giá trị hàng chục tỷ đồng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực vận hành, sử dụng các phần mềm cũng được quan tâm. Với đội ngũ hơn 1.600 cán bộ, công nhân, lao động, trong đó lao động khối sản xuất tại các đơn vị chiếm tỷ trọng lớn. Hàng năm, Bưu điện tỉnh đã tổ chức đào tạo sử dụng phần mềm cho 100% lao động, đảm bảo tất cả đều sử dụng thành thạo các loại phần mềm, ứng dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh đã tăng cường bố trí nhân viên bưu điện đến các doanh nghiệp, HTX để tư vấn, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn; ký kết “Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025” với Hội Nông dân tỉnh… Từ việc tích cực thực hiện CĐS, nhiều hàng hóa nông sản của các hội viên được giới thiệu, quảng bá thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn và hệ thống điểm bán hàng của hai bên; phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng; xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, HTX... Kết quả, Bưu điện tỉnh đã hướng dẫn, phối hợp các địa phương thu thập được 31.862 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo tài khoản cho 21.389 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn Postmart.vn; đưa 28 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn…
Với mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tích cực cung cấp dịch vụ số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành và chính quyền các cấp rà soát các hộ sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hộ sản xuất, đẩy mạnh các giải pháp công nghệ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt...
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, hoạt động CĐS của Bưu điện tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa.