Bưu điện xã tự chủ – Bước tiến mới trong phục vụ công và hỗ trợ chính quyền cơ sở
Trong bối cảnh cả nước chuyển mình theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bưu điện Việt Nam đã tiên phong triển khai mô hình tổ chức mới mang tên Bưu điện xã.

(Ảnh: Bưu điện Việt Nam)
Xác định đổi mới mô hình tổ chức, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ trọng yếu, từ tháng 4/2025, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã ban hành phương án đổi mới mô hình quản lý và sản xuất kinh doanh các Bưu điện tỉnh, thành phố - đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi theo mô hình chính quyền địa phương mới và phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính (từ 63 còn 34 tỉnh/thành phố).
Trên cơ sở này, Bưu điện Việt Nam tiếp tục xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, tách biệt rõ ràng giữa hai khối vận hành và kinh doanh.
Theo lộ trình, từ ngày 1/9/2025, các Bưu điện huyện, Bưu điện khu vực sẽ chính thức chuyển đổi, tức không còn hoạt động như một cấp trung gian độc lập. Thay vào đó, Bưu điện xã sẽ được thiết lập tương ứng với từng xã/phường theo địa giới hành chính mới.
Đây là bước đột phá lớn về tổ chức và vận hành, thể hiện rõ vai trò “cánh tay nối dài” của Bưu điện Việt Nam đối với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm các dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu đến người dân.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Bưu điện Việt Nam)
Ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: "Khác với các điểm phục vụ trước đây, Bưu điện xã là đơn vị có cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành là Giám đốc Bưu điện xã, cơ chế tài chính riêng và đặc biệt được thực hiện theo mô hình “Bưu điện xã tự chủ” trong triển khai các hoạt động kinh doanh, tiếp thị khách hàng, khai thác thị trường trên địa bàn phụ trách."
Với bước đi này, Bưu điện Việt Nam đã tạo ra một mô hình tổ chức tinh gọn, bám sát thực tiễn địa phương và hoạt động hiệu quả hơn.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Trường Giang, Bưu điện xã chính là "tiền đồn," là một "hộ kế hoạch" của Bưu điện tỉnh, thành phố tại địa bàn, đóng vai trò như một đại diện của Bưu điện Việt Nam tại cấp xã/phường. Bên cạnh vai trò đảm nhận tổ chức kinh doanh, cung cấp các dịch vụ bưu chính, tài chính bưu chính, hành chính công, chi trả an sinh xã hội, hỗ trợ chuyển đổi số nông thôn,… Bưu điện xã còn là đầu mối làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, là cầu nối quan trọng trong việc triển khai chính sách, giải quyết các vấn đề dân sinh phát sinh tại cơ sở.
Đồng hành cùng chính quyền địa phương, từ ngày 01/7/2025, hơn 8.000 cán bộ, nhân viên Bưu điện đã được huy động hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính tại Ủy ban Nhân dân cấp xã sau điều chỉnh địa giới hành chính.
Từ chỗ là đơn vị cung cấp dịch vụ, Bưu điện xã đang từng bước trở thành một phần của hệ thống phục vụ công - một "cánh tay nối dài tin cậy" của chính quyền cơ sở.
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ tiêu trên giao xuống, mỗi Bưu điện xã giờ đây vận hành như một đơn vị kinh doanh độc lập thu nhỏ. Giám đốc Bưu điện xã được trao quyền tuyển dụng lao động thời vụ, quản lý tài chính, tổ chức khai thác thị trường và phát triển nhân sự tại chỗ. Cơ chế khoán doanh thu, sản lượng và lợi nhuận giúp thúc đẩy tinh thần tự chủ và khuyến khích sáng tạo trong cách làm.
Cùng với việc tổ chức lại bộ máy, Bưu điện xã được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ đa chức năng tại cấp xã - nơi người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính công, thanh toán tài chính, gửi nhận hàng hóa, mua bán tiêu dùng thiết yếu, thanh toán bảo hiểm - điện - nước - viễn thông và tiếp cận các nền tảng số của chính phủ và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Bưu điện Việt Nam)
Với mạng lưới gần 13.000 điểm phục vụ phủ khắp cả nước, việc hình thành đơn vị cấp xã sẽ giúp Bưu điện Việt Nam đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số quốc gia, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị - nông thôn, hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số toàn diện và bao trùm.
Việc Bưu điện Việt Nam tiên phong tổ chức mô hình Bưu điện xã sau sáp nhập địa giới hành chính không chỉ là thành công về tổ chức bộ máy, mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ vai trò xã hội của một doanh nghiệp Nhà nước - không ngừng đổi mới, không ngừng thích ứng để phục vụ tốt hơn người dân và đồng hành hiệu quả hơn cùng chính quyền địa phương./.