BV Nội tiết Nghệ An: Phục hồi biến chứng cho bệnh nhân đái tháo đường bằng y học cổ truyền
Trong những năm gần đây, số bệnh nhân tiểu đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh…, trong đó biến chứng rối loạn cảm giác đầu chi khá phổ biến. Vấn đề này đã trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của bệnh nhân và toàn xã hội.
Để điều trị, giảm các biến chứng cho bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ), ngoài sử dụng các thuốc điều trị ĐTĐ, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An còn thực hiện phục hồi biến chứng cho bệnh nhân ĐTĐ bằng phương pháp y học cổ truyền.
Hàng ngàn bệnh nhân rối loạn cảm giác đầu chi được điều trị
Bệnh nhân Võ Văn H, 61 tuổi, ở xã Nghi Trường, Huyện Nghi Lộc (Nghệ An) mắc bệnh ĐTĐ nhiều năm. Thời gian gần đây bệnh nhân H. xuất hiện các triệu chứng tê bì ở các đầu ngón tay, ngón chân, sau khi đi khám tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An các bác sĩ chẩn đoán ông bị biến chứng do ĐTĐ dẫn đến rối loạn cảm giác đầu chi bàn tay, bàn chân phải nhập viện điều trị nội trú.
Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân H. được chỉ định điều trị phục hồi biến chứng rối loạn cảm giác đầu chi bàn tay, chân bằng phương pháp y học cổ truyền tại khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng (YHCT-PHCN) của Bệnh viện.
Tại đây, bệnh nhân H. đã được xoa bóp bấm huyệt, thực hiện điện châm, thủy châm, điện xung, tập vận động, đạp xe đạp… sau một thời gian điều trị, hiện tại các triệu chứng tê bì của bệnh nhân H. đã thuyên giảm, được xuất viện về nhà.
Bệnh nhân H. chia sẻ, tôi mắc bệnh ĐTĐ đã lâu, nay bị biến chứng, sau một thời gian vào điều trị phục hồi chức năng ở đây, được các thầy thuốc chăm sóc tận tình, nay bệnh đã thuyên giảm nhiều. Trước đây, khi chưa được điều trị, trong sinh hoạt hàng ngày tôi gặp rất nhiều khó khăn, nay mọi thứ đã trở lại như cũ. Tôi cảm ơn các thầy thuốc nhiều lắm.
Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Thị D. 59 tuổi ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ A) cũng bị biến chứng thần kinh do ĐTĐ, khi bị bệnh, mọi cử động tay, chân, việc cầm nắm các vật dụng hết sức khó khăn vì tay chân bị tê bì, mất hết cảm giác. Sau một thời gian được các thầy thuốc áp dụng các phương pháp thủy châm, điện châm, xoa bóp, tập vận động phục hồi chức năng… nay đã ổn định và được xuất viện.
Bệnh nhân D. chia sẻ, khi bị bệnh, có lúc tôi tưởng đã mất hết hy vọng, vì trong sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn, mọi việc đều nhờ cả vào chồng con, anh em. Nay được điều trị, sức khỏe đã ổn định, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường như trước.
Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, trong 10 tháng đầu năm 2022, bệnh viện khám, điều trị cho gần 90 ngàn bệnh nhân, trong đó có 5.500 bệnh nhân ĐTĐ nhập viện điều trị tại khoa YHCT-PHCN. Hầu hết số bệnh nhân này sau khi điều trị tại khoa YHCT-PHCN đều cho kết quả khả quan, không có biến chứng trong quá trình điều trị.
Trước đây, các bệnh nhân ĐTĐ sau khi điều trị tại bệnh viện Nội tiết Nghệ An, phải đi thực hiện phục hồi chức năng ở đơn vị chuyên khoa Y học cổ truyền nơi khác.
Để đỡ vất vả cho người bệnh cũng như tăng hiệu quả điều trị, Ban Giám đốc bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã quyết định cử cán bộ đi đào tạo chuyên ngành YHCT, đồng thời đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại thuộc lĩnh vực YHCT để điều trị cho người bệnh ngay tại bệnh viện.
Đến nay, khoa đã có 04 bác sĩ trong đó 3 bác sĩ YHCT-PHCN, 01 bác sĩ Nội khoa, 5 Điều dưỡng viên. Với nhân lực và trang thiết bị như hiện nay, khoa YHCT-PHCN, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã triển khai hiệu quả việc điều trị phục hồi biến chứng cho bệnh nhân ĐTĐ bằng y học cổ truyền.
Rối loạn cảm giác đầu chi là gì?
Theo Y học hiện đại rối loạn cảm giác đầu chi do các bệnh lý gây tổn thương thần kinh, mạch máu ngoại vi gây nên, có nhiều nguyên nhân viêm nhiễm, rối loạn chuyển hóa, bệnh tự miễ bệnh n, rối loạn cảm giác phân ly… tùy theo mức độ và vị trí tổn thương bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác nông, sâu và dị cảm.
Theo Y học cổ truyền, rối loạn cảm giác đầu chi nằm trong chứng Thấp tỳ, nguyên nhân do Thấp tà lưu ở tứ chi kinh lạc bất thông khí huyết ngưng trệ gây nên. Bệnh còn liên quan đến Tỳ vì Tỳ chủ vận hóa và tứ chi, Tỳ vận hóa kém, Thấp trọc đình trệ công năng vận hành khí huyết của kinh lạc bị ngăn trở.
Biểu hiện của bệnh thường gặp nhất, chi dưới và bàn chân có triệu chứng đầu tiên, sau đó đến triệu chứng ở chi trên và bàn tay. Triệu chứng thường đối xứng cả 2 bên chi.
Bệnh nhân thường có cảm giác: Tê, giảm nhận biết cảm giác đau, nóng lạnh, đặc biệt ở bàn chân; Cảm giác châm chích, bỏng rát; Cảm giác đau buốt, thường tăng về đêm; Đau khi bước đi. Đôi khi bệnh nhân có triệu chứng tăng cảm: dù chạm nhẹ bệnh nhân cũng cảm thấy đau rất nhiều. Yếu cơ và đi lại khó khăn. Triệu chứng nặng: loét chân, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, đau ở xương khớp.
"Người mắc bệnh ĐTĐ nếu không được điều trị, kiểm soát tốt đường huyết rất dễ bị các biến chứng, trong đó phổ biến là rối loạn cảm giác đầu chi. Để điều trị, giảm các biến chứng cho bệnh nhân ĐTĐ, ngoài sử dụng các thuốc điều trị ĐTĐ, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An còn thực hiện phục hồi biến chứng cho bệnh nhân đái tháo đường bằng phương pháp y học cổ truyền. Sau điều trị, hầu hết các bệnh nhân đều phục hồi tốt, không bị biến chứng nặng nề". Bác sĩ CKI Lê Đình Phương - Trưởng khoa YHCT-PHCN, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết.
Phục hồi biến chứng cho bệnh nhân đái tháo đường bằng phương pháp y học cổ truyền.
Xoa bóp, bấm huyệt:
Thủ thuật này được áp dụng cho các bệnh nhân có các rối loạn cảm giác ở đầu chi không do bệnh lý có chỉ định ngoại khoa.
Các bác sĩ, Y sĩ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền tiến hành xoa, xát, miết, day, lăn, bóp, nhào, vận động khớp cổ tay, cẳng tay, khớp vai, khớp cổ chân, gối, khớp háng. Sau đó, thực hiện bấm và day các huyệt.
Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 20-30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh, có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục.
Điện Châm
Liệu trình điều trị: điện châm ngày một lần, thời gian 20-30 phút cho một lần điện châm. Một liệu trình điều trị từ 20- 30 lần điện châm.
Thủy Châm
Liệu trình điều trị:Thủy châm một ngày một lần, mỗi lần thủy châm vào 2-3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10-15 lần thủy châm, người bệnh nghỉ 10 ngày để điều trị liệu trình tiếp theo.
Lời khuyên của bác sĩ
Các biện pháp sau đây cũng giúp giảm tổn thương thần kinh: Chăm sóc bàn chân kỹ để tránh các vết loét, không làm nặng thêm các biến dạng bàn chân đã có; Kiểm soát huyết áp; Ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ; Luyện tập thể lực phù hợp với sức khỏe; Duy trì cân nặng thích hợp; Ngưng hút thuốc; Không uống rượu, bia…
Tóm lại, biến chứng thần kinh ĐTĐ tuy ít khi gây tử vong nhưng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do vậy, người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh, điều trị kịp thời, tích cực ngay từ đầu lúc mới chẩn đoán, không nên để xuất hiện các biến chứng nói chung, và biến chứng thần kinh nói riêng.
Nếu đã có biến chứng, điều quan trọng vẫn là điều trị tích cực bệnh ĐTĐ. Do các triệu chứng tê nhức rất khó chịu nhưng bệnh nhân không thể mô tả cảm giác của họ nên bệnh nhân rất cần sự chăm sóc và hỗ trợ từ phía người thân trong gia đình.