Bỳ Văn Tứ: Tình yêu và niềm đam mê trọn vẹn với Dầu khí
Ông Bỳ Văn Tứ thừa nhận rằng, nghề Dầu khí là tình yêu và niềm đam mê trọn vẹn của ông. Tình yêu và niềm đam mê ấy đã đứng vững, vượt qua được thời gian với nhiều thử thách của cuộc đời...!
Duyên nghiệp với Dầu khí
Ông kể, năm 1964 – 1965 cả miền Bắc hừng hực khí thế chống Mỹ cứu nước. Lớp học sinh cấp 3 của ông ngày ấy rất tự nguyện với tinh thần “3 sẵn sàng”, “tất cả cho tiền tuyến”... Ngay khi còn đang học lớp 9, nhiều bạn đủ tiêu chuẩn đi bộ đội của lớp đã xung phong nhập ngũ. Khi tốt nghiệp lớp 10, ưu tiên số 1 của thế hệ ông là được đi bộ đội, ai được nhập ngũ đều coi là vinh dự. Ai được vào đại học đều tuân theo sự phân công của Bộ Giáo dục, Ty Giáo dục và nhà trường. Vì vậy, nếu sự phân công phù hợp với nguyện vọng cá nhân thì may mắn tuyệt vời, nếu không thì cũng tự giác chấp hành, cố gắng phấn đấu học tốt!
Trường hợp của ông cũng vậy. Với ông, được đi học nước ngoài trong lúc đất nước đang có chiến tranh là vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Chính vì vậy mà ngay từ năm dự bị đại học, ông cùng các bạn bè trang lứa đã phải dồn hết tâm trí, sức lực, vừa học tiếng Rumani để nhanh chóng có thể giao tiếp, vừa bổ túc các môn Toán, Lý, Hóa cho ngang với trình độ lớp 12 của nước bạn khi bước chân vào trường Đại học.
Kết thúc năm dự bị, Ban Quản lý lưu học sinh của Đại sứ quán/Bộ Giáo dục phân bổ vào các khoa, các trường. Ông Bỳ Văn Tứ từ Học viện Bách Khoa được phân công sang Học viên Dầu Khí, Khoa Công nghệ chế biến dầu khí.
“Tiếp đến là những ngày tháng vừa phải nâng cao trình độ tiếng Rumani để có thể tiếp thu bài giảng của các giáo sư trên lớp, vừa có thể vượt qua các môn thi học kỳ 1, học kỳ 2. Trong số sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên bản xứ, cũng có một số bạn không qua được một vài môn thi, phải thi lại vào mùa thu, thậm chí vài trường hợp lưu ban”, ông nhớ lại.
Ông thú thật rằng, vào thời sinh viên, ông chưa có khái niệm yêu nghề, bởi một chàng-trai-nhà-quê ngày đó chưa biết dầu khí là gì. Ban đầu, sinh viên mới học các môn cơ bản Toán, Lý, Hóa; rồi đến các môn Hóa hữu cơ, Hóa Lý, Hóa phân tích, Hóa dầu, Công nghệ chế biến dầu khí, cơ khí, thiết bị trong ngành dầu khí và đại cương về kỹ thuật Khoan, khai thác dầu khí… dần dà rồi được đi thực tập ở các nhà máy Lọc Hóa dầu mới hình dung được ngành chế biến dầu khí là gì.
“Tôi thích ngành chế biến dầu khí vì nó là ngành công nghiệp đang phát triển mạnh trên thế giới, sản xuất ra nhiều sản phẩm xăng dầu, hóa dầu phục vụ mọi mặt của cuộc sống xã hội”, ông chia sẻ. Khi tốt nghiệp về nước năm 1971, ông lại may mắn được phân công về Tổng cục Hóa chất, nơi đang thành lập Ban Dầu mỏ - Khí đốt và được tham gia ngay vào việc nghiên cứu, soạn thảo các phương án xây dựng hai khu Liên hợp Lọc – Hóa dầu ở miền Bắc Việt Nam.
Năm 1975, khi Tổng Cục Dầu khí được thành lập, ông lại tiếp tục được tham gia các dự án Lọc hóa dầu, Khí và Đạm Phú Mỹ. “Nói đúng ra thì công việc của ngành dầu Khí đã cuốn hút tôi, gắn chặt đời tôi vào sự nghiệp dầu khí với biết bao vinh quang và thử thách, thăng trầm của một ngành công nghiệp mới của đất nước”.
Nhớ những năm tháng gian nan...
Làm Dầu khí giai đoạn đầu, nhất là giai đoạn nền móng những năm từ thập niên 1970 - 1990 nhiều gian nan và vất vả vô cùng. Ông Bỳ Văn Tứ kể, những năm 1972 – 1975, Ban Dầu Khí – Tổng cục Hóa chất chuẩn bị các phương án Lọc hóa dầu ở miền Bắc để trình Chính phủ và Bộ Chính trị, trong hoàn cảnh rất thiếu thốn. Tài liệu phải nhờ Bộ Ngoại thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán nước ta ở nước ngoài thu thập; Tính toán thì dùng thước logarit và tính bằng tay, vẽ trên giấy croky, đánh máy trên giấy polyue, in roneo, soạn thảo ra hàng chục phương án khác nhau để trình cấp trên xem xét.
Những lần từ nơi sơ tán về Hà Nội họp, ông phải căn giờ để tránh các đợt ném bom của máy bay Mỹ. Có lần đạp xe mang tài liệu từ Hà Tây về Hà nội họp gấp, vừa tới Cầu Diễn, bom nổ chỉ cách hơn trăm mét, người và xe đạp chỉ kịp ngã ra vệ đường rồi vội vào gốc cây tránh mảnh đạn pháo cao xạ. Máy bay qua lại tiếp tục dắt xe vòng qua hố bom, đất đá ngổn ngang và xác trâu bò còn máu me do bị mảnh bom giết chết.
Lần từ Đình Bảng về Hà Nội, vừa đi qua nhà máy xe lửa Gia Lâm thì bom đánh vào nhà máy, nếu chậm vài phút thì ông đã cùng một số người và xe bị hơi bom hất xuống ao ven đường. “Lên tới dốc đê sông Hồng, đứng nhìn lại, tự nhiên đầu gối cứ run cầm cập!”, ông nhớ lại.
Những năm 1976 – 1980, Dự án Lọc Hóa Dầu Tĩnh Gia, Thanh Hóa được xúc tiến các công việc chuẩn bị đầu tư. Tháng 6 năm 1977, Ban Chuẩn bị xây dựng Khu Liên hợp Lọc Hóa dầu phía Bắc Việt Nam (gọi tắt là Ban Chuẩn bị Khu liên hợp Lọc hóa dầu số 1) được thành lập. Ông Vũ Bột được cử làm Trưởng Ban, trụ sở đặt tại Tĩnh Gia. Huyện Tĩnh Gia khi đó còn hết sức nghèo nàn. Trụ sở Ban Chuẩn bị đóng tạm trong khuôn viên đền thờ cụ Đào Duy Từ. Ban đã xây dựng một số nhà tranh tre làm văn phòng làm việc và một số nhà để cán bộ ở và sinh hoạt.
Một ngày tháng 5 năm 1978, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên đến thăm Ban. Trong không khí thân mật của buổi tối ở văn phòng tạm, ông cảm hứng làm bài thơ tặng Giám đốc Vũ Bột và anh chị em đang làm công tác chuẩn bị cho một dự án lớn của đất nước:
“Quyết kéo nhau ra đóng giữa đồng
Nhà tranh mấy nếp thế mà ngông
Ngọt bùi khuya sớm khoai vài củ
Nhộn nhịp ra vào bóng mấy ông
Mỏi mắt vời trông, tiền với giấy
Chồn chân, lội khắp núi cùng sông.
Nhà máy, toàn dân mong sớm có,
Bảo nhau cố gắng sớm khai công.”
Rồi đến Dự án công trình Lọc Hóa dầu Thành Tuy Hạ giai đoạn 1977 – 1990 (Khu liên hợp Lọc hóa dầu số 2 – phía Nam Việt Nam, hợp tác với Liên Xô) cũng để lại cho ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ...
“Tuy nhiên cả hai dự án Lọc hóa dầu, một ở miền Bắc và một ở miền Nam, từ nửa cuối thập niên 1970 và cả thập niên 1980 đều không thực hiện được. Chúng ta đã không vượt qua được những biến động và thử thách của tình hình quốc tế, hoàn cảnh và các nguồn lực trong nước cũng chưa cho phép. Đúng là lực bất tòng tâm!”, ông bùi ngùi chia sẻ.
Sau đó, ông Bỳ Văn Tứ còn trải qua nhiều công trình dự án lớn khác cho tới khi nghỉ hưu. Ông nói, nghề Dầu khí là duyên nghiệp với đủ gam thăng trầm. Song, với sự nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp chung của ông cuối cùng đã được tưởng thưởng bằng sự thành công để đời của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và khâu hạ nguồn của hệ thống khí thiên nhiên.
Bây giờ, ông vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho ngành Dầu khí, tham gia Hội Dầu khí Việt Nam, tham dự các cuộc Hội thảo nhằm tư vấn, phản biện các vấn đề liên quan ngành... Đó là cơ hội để ông có thể đóng góp những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển hơn nữa. Ông thừa nhận rằng, nghề Dầu khí là tình yêu và niềm đam mê trọn vẹn của ông. Tình yêu và niềm đam mê ấy đã đứng vững, vượt qua được thời gian với nhiều thử thách của cuộc đời!
Có một điều thú vị là sau khi nghỉ hưu, ông cũng đã có nhiều thời gian hơn để “cầm bút chiều theo niềm đam mê một thời”. Ông đã viết và chủ biên xuất bản được một số tác phẩm, đăng trên trang web byvantu.com để ai quan tâm có thể truy cập và đọc.
Ông nói, ông không tham vọng về cái gọi là “sự nghiệp văn chương”, đơn giản là khi ở tuổi gần 80, sức lực không còn cho phép làm những việc nặng nhọc hoặc phải chịu sức ép, ông thấy chỉ còn việc viết lách là phù hợp, là còn có thể làm tiếp được vài việc có ích cho đời. Thế là ông lại say sưa với cuộc chơi mới. Ông viết nhiều tác phẩm với nhiều chủ đề khác nhau, ông viết đến đâu thì đăng đến đó. “Hiện trên web cũng đăng một số bản thảo, quỹ thời gian của tôi còn lại không nhiều, hy vọng không đến nỗi bỏ phí...!”, ông tâm sự!