c đáo tranh sơn dầu
(Báo Quảng Ngãi)- Trong hội họa, tranh sơn dầu có sức hấp dẫn đặc biệt. Nét vẽ tranh sơn dầu luôn cuốn hút người yêu hội họa, bởi tính thẩm mỹ cao, nét vẽ chân thực, sống động và bền bỉ cùng thời gian.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng (76 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, vẫn luôn cần mẫn sáng tác. Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian để vẽ tranh sơn dầu. Nhiều tác phẩm tranh sơn dầu vẽ đã lâu nhưng sắc màu vẫn nguyên vẹn, tươi mới. “Không hiển nhiên mà một người chuyên về dòng tranh khắc in lại muốn trải nghiệm với sơn dầu. Những ưu điểm từ chất liệu của dòng tranh sơn dầu là niềm hứng thú của các họa sĩ, đặc biệt là những họa sĩ chuyên nghiệp”, họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng và họa sĩ, nhà điêu khắc Bùi Nam trao đổi về bức tranh sơn dầu Khúc giao mùa.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng cho hay, tranh sơn dầu xuất hiện từ xa xưa và không ngừng phát triển. Chất liệu tranh là một loại họa phẩm được làm từ sắc tố pigment, thường dưới dạng bột khô, nghiền kỹ với dầu lanh, dầu óc chó, dầu cây rum hay dầu cù túc... So với các chất liệu màu vẽ khác thì sơn dầu có khác biệt, đó là thời gian khô chậm. Điều đó giúp cho các họa sĩ kéo dài thời gian hơn để chiêm nghiệm, ngắm nghía và hoàn thiện tác phẩm. Họa sĩ thậm chí còn có thể thay đổi những đường nét, chi tiết bằng việc xóa đi hoặc vẽ chồng lên nét vẽ đó, theo cảm xúc mà mình ưng ý nhất.
Chất liệu sơn dầu rất bền. Một bức tranh có thể lưu giữ hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm. Đặc biệt, tác phẩm tranh sơn dầu luôn có chiều sâu hơn so với những chất liệu khác. Với những chất liệu khác, đó là một mảng màu với sự kết hợp của nhiều màu sắc trong bức tranh. Còn với tranh sơn dầu, là 5 - 10 lớp màu mỏng được họa sĩ sắp xếp, đắp lên nhau một cách khéo léo. Đôi khi chỉ có 2 màu sắc tối giản, bức tranh cũng trở nên chân thực, đẹp mắt. Những sợi tóc, hay một đôi mắt chứa đầy xúc cảm, đốm nâu trên da, nếp gấp quần áo... tất cả những chi tiết trên bức tranh sơn dầu đều khiến người xem ngỡ như thật. Đó là hiệu ứng thị giác tuyệt vời chỉ sơn dầu mới có thể làm được.
Theo họa sĩ, nhà điêu khắc Bùi Nam - nguyên là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Ngãi, hiện là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đặc tính khô chậm là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm của tranh sơn dầu. Để vẽ một bức tranh sơn dầu kéo dài có khi vài tháng, tốn nhiều thời gian và công sức của người họa sĩ. Và, cũng bởi độ bền mà chất liệu sơn dầu có giá cao gấp đôi so với chất liệu màu vẽ thông dụng như acrylic. Trong khi đó, thị trường tranh trang trí ngày càng đa dạng, phong phú và có nhiều mức giá để khách hàng chọn lựa. Áp lực cơm áo, gạo tiền nên không ít họa sĩ không đủ lòng kiên trì để gắn bó với tranh sơn dầu.
Sau tiết dạy mỹ thuật ở trường, họa sĩ Phan Thị Xuân Vy (33 tuổi), ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), dành thời gian để sáng tác tranh sơn dầu. Khoảng thời gian này, hằng đêm bên giá vẽ, chị nỗ lực hoàn thiện tác phẩm “Mưu sinh” để tham gia các cuộc triển lãm cuối năm. Tác phẩm "Mưu sinh" tái hiện không gian một góc chợ giữa phố. Khác với khung cảnh xô bồ, lộn xộn thường thấy ở chợ, qua từng nét vẽ của cô gái trẻ, cảnh chợ trở nên thơ mộng, bình yên đến lạ. Bằng chất liệu sơn dầu làm nổi bật chủ thể, kết hợp với bối cảnh xung quanh được vẽ từ chất liệu acrylic, bức tranh khắc họa được sự tần tảo, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ mưu sinh ở chợ. “Không một chất liệu nào có thể sánh được với sơn dầu. Đây là chất liệu gây xúc cảm mạnh, lột tả chân thực, sống động đến từng góc khuất của cuộc sống”, chị Vy cho hay.
Còn với họa sĩ Lâm Thị Minh Nguyệt (31 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), chị đã vẽ nhiều tác phẩm sơn dầu có giá trị, được chọn triển lãm. Đó là những bức tranh thể hiện nét đẹp lao động của cư dân ở đảo Lý Sơn trên cánh đồng hành, tỏi, vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên trên đảo... “Quy trình hoàn thiện tranh sơn dầu rất khắt khe, đòi hỏi phải tỉ mỉ để tạo nên giá trị thẩm mỹ cao cho tác phẩm. Điều tôi trăn trở nhất là làm sao tranh sơn dầu có thể tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng, chứ không dừng lại ở việc vẽ tranh để triển lãm, lưu niệm hoặc làm quà tặng cho những người thân quen", chị Nguyệt bày tỏ.
Bài, ảnh: THIÊN HẬU
Trình bày: P.DUNG