'Ca bệnh 237 không ảnh hưởng đến hoạt động hiến máu' tại Viện Huyết học

Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cho biết, tòa nhà hoạt động hiến máu biệt lập với khu điều trị và phân luồng hướng đi riêng nên không đáng lo ngại.

Thành phố Hà Nội và tỉnh Ninh Bình đang lo lắng trước lịch trình phức tạp của bệnh nhân 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển mắc Covid-19 được công bố tối qua. Riêng tại Hà Nội đến sáng nay đã xác định được 101 trường hợp tiếp xúc gần F1 và gần 200 người là F2.

Trong số 3 bệnh viện ở Hà Nội mà bệnh nhân này từng đến cấp cứu, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương là nơi mà bệnh nhân lưu lại lâu nhất. Vậy cơ sở y tế này đã và đang thực hiện những biện pháp gì để phòng chống lây nhiễm Covid-19 khi tại đây đang có tới hơn 600 bệnh nhân đang điều trị các bệnh về máu?

Ca bệnh 237 không ảnh hưởng đến hoạt động hiến máu ở Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương (ảnh minh họa)

Ca bệnh 237 không ảnh hưởng đến hoạt động hiến máu ở Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương (ảnh minh họa)

Ngày 31/3, nam bệnh nhân người Thụy Điển bị chảy máu mũi nhiều và có tiền sử ung thư máu được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tại đây, ngày 1/4, Viện đã chủ động lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Sau khi bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, 45 nhân viên y tế của Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương và 4 bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng của Bệnh viện E sang tham gia hội chẩn, trở thành F1 và được cách ly, chờ kết quả xét nghiệm. Các biện pháp phòng chống lây nhiễm cũng đã được tiến hành khẩn trương.

Theo Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, chưa ghi nhận bệnh nhân nào tại Viện tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính. “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với tình huống xấu nhất khi có bệnh nhân dương tính trong viện. Trong những ngày qua, khi chưa có ca bệnh này, chúng tôi đã xem xét cho bệnh nhân nhẹ chuyển về tuyến dưới. Số bệnh nhân tại Viện hiện nay chỉ còn khoảng 600 người, chỉ bằng một nửa so với trước đây. Thứ 2 là tầng 8 nơi bệnh nhân dương tính từng ở, chúng tôi thực hiện cách ly, phục vụ ăn uống cho tất cả người nhà và bệnh nhân tại tầng đó. Những tầng còn lại sau khi khử khuẩn vẫn hoạt động bình thường”.

Trước vấn đề mà nhiều người quan tâm: hàng ngày Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương còn là nơi tiếp nhận những người đến hiến máu tình nguyện, liệu có bị ảnh hưởng không? Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cho biết, tòa nhà dành cho hoạt động hiến máu biệt lập với khu điều trị và được phân luồng theo hướng đi riêng nên không đáng lo ngại.

“Hoạt động hiến máu vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường. Tòa nhà Trung tâm máu quốc gia nơi người đến hiến máu và Tòa nhà điều trị (nơi có bệnh nhân dương tính từng đến) là 2 tòa riêng biệt. Từ trước chúng tôi đã phân luồng riêng cho bệnh nhân và người đến hiến máu. Chúng tôi đã hoàn toàn tạo được sự ngăn cách giữa 2 khu vực điều trị và hiến máu. Nếu vẫn có những lo lắng nhất định, mọi người có thể đến hiến máu tại những điểm hiến máu cố định tại Hà Nội như tại phố Lương Ngọc Quyến, Nhân Chính và đường Láng”.

Ngay khi nhận được thông tin bệnh nhân người Thụy Điển dương tính với virus SARS-CoV-2, từ 16 giờ 3/4, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã tiến hành khử khuẩn phòng cấp cứu (nơi duy nhất bệnh nhân này đến cấp cứu ngày 31/3 do bị chảy máu mũi nhiều). Đồng thời, tiến hành trích xuất camera, xác định được 18 nhân viên y tế thuộc diện F1 phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Còn tại Bệnh viện Việt- Pháp, nơi bệnh nhân được chở đến cấp cứu khi bị tai nạn ngày 26/3 cũng đã tiến hành sàng lọc, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với 22 nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân này, dự kiến hôm nay (4/4) sẽ có kết quả./.

Văn Hải/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ca-benh-237-khong-anh-huong-den-hoat-dong-hien-mau-tai-vien-huyet-hoc-1032661.vov