Cá cấn ngày mưa

Phánh gọi điện dặn: 'Ngoại ơi, tết con về quê ăn tết nha ngoại. Đến lúc đó, con cá cấn trên sông còn không ngoại hè?'. Mẹ tôi nói, giờ đang mùa mưa, cá cấn nhiều lắm, bây về chừ thì tha hồ ăn, còn tết thì không hứa.

Qua điện thoại mà như thấy được cái tướng muốn giãy nảy lên của con bé. “Ui chao, lúc đó hết cá cấn, con về biết ăn cái chi ngoại hè”. “Thiếu chi thứ để bây ăn”. Tôi ngồi bên chống cằm nghe lén hai bà cháu nói chuyện. Con Phánh năm nay đã gần 18 tuổi. Rõ ràng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, vài năm mới theo mẹ về Huế một lần, vậy mà lại mê cái món cá lăn tăn liu tiu quê kề quê kệch ở làng.

“Con cá cấn ăn thú vị ghê á ngoại. Thịt cá tuy ít, nhưng được cái xương mềm, ăn lại giòn giòn. Mà ngoại kho cá sao ngon dữ vậy ngoại. Vừa cay, vừa mặn, vừa ngọt. Sao cái chi cũng vừa vặn hết rứa ngoại”. Con bé luôn miệng khen làm bà ngoại nó cười tít mắt. Có khi nó còn yêu sách “Mai mình nấu cháo trắng ăn với cá này nha ngoại”. Ngoại nó sẽ cười: “Bây đòi hỏi nhiều quá”. Nói là nói vậy, nhưng sáng mai thức giấc, đã thấy trên bếp nồi cháo sôi lục bục, mùi gạo ruộng thơm ngọt nghi ngút bốc lên nơi gian bếp nhỏ đầy ấm cúng.

Chị gái tôi lấy chồng xa. Tôi xuôi về phố học hành rồi lập nghiệp. Phố chỉ cách nhà chưa đầy hai chục cây số, nên thi thoảng tôi lại tạt về nhà, dù có khi chẳng phải cuối tuần hay lễ lượt gì. Chẳng qua chỉ muốn sà vào bếp, ngồi bên cạnh ôm bờ vai của mẹ và hít hà mùi khói bếp cay cay, rồi gọi điện ba hoa khoe với chị mình vừa trở về nhà. Giọng của chị đầy xuýt xoa: “Ở gần mạ sướng quá hè. Thích khi mô về khi nấy”. Trong cái giọng hồ hởi của chị vẫn nghe được cái buồn của kẻ tha hương. Khoảng cách một ngàn cây số, gánh nặng cơm áo khiến chị vài ba năm mới sắp xếp về thăm quê được một lần.

Tôi thích cái mùi khói cay nồng mà thơm tho tỏa ra từ gian bếp nhỏ xíu của mẹ. Rõ ràng những buổi bé thơ đã bao lần trào nước mắt vì củi ướt. Chiếc đồng hồ tích tắc gõ trên tường báo hiệu mẹ ngoài đồng sắp về mà bếp lửa nhóm mãi không bén, nồi cơm đun hoài chẳng thể sôi. Khói ướt hun gian bếp cay xè cả một tuổi thơ lam lũ. Những làn khói mỏng ấy giờ hay kéo chân tôi nán lại mỗi khi ghé về làng. Góc bếp của mẹ ấm cúng quá. Bởi ngày nào cũng được đỏ lửa, và bởi những món ăn nghi ngút khói thơm được bưng ra từ góc bếp ấy làm ấm những ngày mưa giăng.

Đôi khi, tôi hay nhớ về cái dáng tảo tần của mẹ, lúc bà ngồi tăn măn tỉ mỉ nặn sạch ruột từng con cá cấn bé li ti sau hè nhà. Mẹ nói mình không thích vị đắng của ruột cá, và cả mùi rong rêu vướng lại trên lớp vảy mềm đủ sắc xanh đỏ, nên dẫu con cá cấn chỉ to bằng đầu ngón tay, bà vẫn kỳ công ngồi đánh hết lớp vảy một cách đầy kiên nhẫn. Góc vườn vắng lặng, nhờ có mẹ ngồi ở đó mà trở nên rộn rã. Tôi cũng sà xuống ngồi cạnh bà, không phải phụ một tay làm cá, mà để rửa tới rửa lui chiếc nồi đất đã bám đen bụi bặm mẹ cất dưới chạn bếp.

Đàn gà kiếm mồi ở cuối vườn thấy bóng mẹ sẽ kéo nhau chạy lại. Chúng chí chóe đứng dưới gốc măng cụt, chờ thau nước của mẹ hất xuống là bu lại kiếm ăn. Có đôi khi vạt nắng mùa đông len qua lớp lá mít nghiêng nghiêng bên mái tôn, từng vòng hoa ươm ươm rọi xuống đất, con mèo mướp thích thú lăn qua lăn lại giỡn bóng nắng. Con Ki cũng hay nghịch ngợm, thế nào cũng chạy tới chạy lui phụ mẹ xua đàn gà ra xa. Những con gà dạn dĩ đã đôi lần lấn tới, mẹ làm ngơ để chúng thốt mất một con cá cấn rồi vụt chạy ra xa. Cả đàn gà bỗng chốc loạn lên, cùng đuổi theo giành nhau miếng mồi con trống cồ vừa cướp được. Góc vườn bỗng rộn ràng bừng bừng sức sống.

Có những buổi sáng thật bình yên khi ngồi bên bếp lửa, giúp mẹ canh nồi cá cấn kho rim, thỏa thích hít hà cái mùi cá kho cay cay mặn ngọt mà thấy lòng mình đủ đầy chi lạ. Lạ chưa, có những bình yên ta rất dễ dàng tìm được, như khi về ngồi bên mẹ trong gian bếp cũ thuở nào, và cứ thế lặng yên nghe thời gian trôi đi chậm chạp trong thơm ngọt yên bình.

LINH CHI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/ca-can-ngay-mua-148996.html