Sáng 28/1, khu vực bán hàng mã ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) tấp nập hơn ngày thường do nhu cầu mua các vật dụng cúng ông Táo của người dân trong ngày 23 tháng Chạp.
Đây là loại mặt hàng duy nhất mà người mua thường không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, chỉ cần xem xét mẫu mã và hình thức bên ngoài vì các loại hàng mã này sẽ được đốt đi trong lễ cúng với ước mong người đã khuất sẽ nhận được những món hàng ấy ở phía bên kia thế giới.
Theo chia sẻ của các tiểu thương tại đây, thời gian cao điểm nhất người dân mua hàng là từ tối 22 tháng Chạp. Tuy nhiên, trong ngày đưa ông Táo, lượng người tranh thủ ra mua hàng để thực hiện lễ cúng vào buổi chiều tối vẫn không ngớt.
Để chuẩn bị cho ngày bán hàng cao điểm này, nhiều sạp đã nhập sẵn số lượng lớn hàng về, treo, chất kín trong sạp và để tràn ra cả vỉa hè.
Cũng như mọi năm, các loại hàng mã được ưa chuộng bao gồm quần áo, xe máy và cả nhà lầu, xe hơi. Theo quan niệm của người Việt, thời điểm ông Táo về trời, cổng trời sẽ mở nên người thân đã khuất sẽ dễ dàng nhận được các vật dụng do người sống đốt ở trần gian.
Bà Nguyễn Thị Yến Hằng (ngụ quận Bình Thạnh) đang chọn mua 4 bộ quần áo với giá 10.000 đồng/bộ cho người cháu ngoại mới 3 tuổi đã không may qua đời. Để chuẩn bị cho lễ cúng chiều nay, bà sẽ còn phải mua thêm bánh kẹo cho cháu. "Một năm có một lần, mình mua nhiều nhiều cho nó hưởng", bà Hằng ngậm ngùi chia sẻ.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hoa (phải) cũng mua rất nhiều hàng mã để đem về quê ở Trà Vinh, đốt cho người thân vừa mới mất. "Tổng cộng hôm nay, tui đã mua hơn 500.000 đồng tiền hàng mã. Về quê mà không đem đồ gì về cúng thì cũng kỳ", bà Hoa cho hay. Mỗi bộ vest hàng mã bà mua có giá 35.000 đồng/bộ.
Thay vì đưa ông Táo bằng cá chép thật, nhiều người lại chọn cách đưa ông về trời bằng cá chép hàng mã khiến mặt hàng này rất hút người mua. Giá mỗi con cá chép hàng mã là 80.000 đồng/con.
Vừa thở dốc trong lúc vừa chuyển hàng vào sạp, ông Nguyễn Văn Sang cho hay sau mấy ngày cao điểm, sạp của ông đã bán hết hàng nên phải chuyển thêm hàng mã từ nhà ra.
Cảnh tượng mua bán hàng mã diễn ra tấp nập từ sáng sớm cho đến trưa. Theo chia sẻ của một tiểu thương, lượng tiền người mua hàng chi ra phổ biến ở mức từ vài chục đến vài trăm nghìn, cá biệt có người mua hơn một triệu đồng tiền hàng mã.
Thông thường, chủ sạp sẽ gói các món đồ cúng vào theo từng bộ, thích hợp với các mục đích cúng khác nhau của người mua hàng. Theo đó, một bộ nón, quần áo, giày dép cho một ông Táo có giá 40.000 đồng/bộ. Vì thế, để mua đầy đủ đồ cho cả gia đình nhà Táo về chầu trời, người mua phải chi ra 120.000 đồng.
Không như các sạp khác, sạp của bà Nguyễn Thị Sang lại khá vắng khách trong ngày hôm nay. "Người ta tranh thủ ra mua mấy ngày trước hết rồi, để kịp giờ hôm nay mấy ổng lên trời dự 'hội nghị' nên hôm nay bán chậm", bà Sang tếu táo cho hay.
Theo ghi nhận, giá cả các loại hàng mã không có biến động nhiều so với các năm trước. Ngày đưa ông Táo là một trong những dịp loại mặt hàng này hút khách, bên cạnh rằm tháng bảy, tháng chín và tiết thanh minh.
Liêu Lãm