Ca COVID-19 tăng mạnh, Hà Nội có quá tải điều trị F0?
Số F0 tại Hà Nội tăng nhanh những ngày qua khiến nhiều người lo ngại hệ thống y tế quá tải.
Những ngày gần đây, số F0 ở Hà Nội tăng nhanh, khoảng từ 300 cho tới hơn 700 ca. Cao điểm ngày 6/12, toàn thành phố ghi nhận tới 774 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Hiện, Hà Nội ghi nhận 16 chùm ca bệnh phức tạp, trong đó, ổ dịch tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm được đánh giá là nóng nhất với hơn 400 ca mắc mới.
Số F0 tăng cao khiến nhiều người lo ngại hệ thống y tế quá tải. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện ở Hà Nội hầu hết khẳng định không quá tải, do quy định phân tầng khá rõ ràng.
Theo ông Phùng Quốc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Thanh Nhàn, hiện số F0 nhập viện trung bình 12-13 ca/ngày. Trong số người được điều trị thì bệnh nhân bệnh lý nền và cao tuổi chiếm 34-35%.
“Khoảng 1-2 tuần trước, F0 từ tuyến dưới chuyển lên chưa đúng tầng (trung bình 20-25 ca/ngày) dẫn đến hiện tượng quá tải. Bệnh viện xác định lại bệnh nhân thuộc tầng nào thì điều trị ở tầng đó. Ví dụ, bệnh nhân thuộc tầng nhẹ thì về điều trị tuyến dưới. Do đó, việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân tại bệnh viện hiện ổn định, không quá tải", ông Phùng Quốc Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng khẳng định, không có hiện tượng quá tải điều trị F0. Bệnh viện đang trị cho 153 bệnh nhân COVID-19, trong đó 25 bệnh nhân nặng, 10 bệnh nhân nguy kịch, 2 bệnh nhân lọc máu, 5 bệnh nhân thở máy xâm nhập, 3 bệnh nhân thở máy không xâm nhập.
Bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội giao 300 giường điều trị, với 250 giường hồi sức. Là bệnh viện tầng 3 nên đơn vị chỉ tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch, nhóm bệnh nhân chưa nặng nhưng có bệnh nền, chưa tiêm vaccine, tuổi cao…
Theo ông Thường, khi F0 tăng thì số ca nhập viện tăng là tất nhiên. Nhưng không thể so sánh với trước khi tất cả F0 đều điều trị tại bệnh viện. Hà Nội đã phân tầng rõ ràng, F0 thể nhẹ, không triệu chứng điều trị tại nhà. Vì thế, giai đoạn tới có thể bệnh nhân tăng nhưng số nhập viện sẽ giảm. Dần dần, chúng ta sẽ có tiêu chí, tiêu chuẩn nhập viện theo mức độ bệnh.
Tại phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội sáng 9/12, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine 2 mũi hiện nay tại Hà Nội đạt trên 95%. Do vậy, dù số ca mắc tăng cao nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 được điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.
Hà Nội đã triển khai cách ly F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Qua rà soát trên 2,1 triệu hộ dân, hơn 800.000 hộ đủ điều kiện thực hiện việc này, và hiện 15.359 F1, hàng trăm F0 nhẹ đã điều trị tại nhà. Chính quyền Thủ đô phân các tầng điều trị F0. Với tầng 1 là tuyến y tế cơ sở và tại nhà, tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách, tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.
Khi thành phố ghi nhận 10.000 ca nhiễm, tầng 1 tăng lên 9.200 giường, tầng 2 có 600 giường, tầng 3 là 200 giường, với kịch bản 40.000 ca nhiễm, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800. Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng 1, trong đó 22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã; 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.
Ba tầng điều trị
Ngày 7/12, Sở Y tế Hà Nội có công văn về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19. Theo hướng dẫn, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.
Tầng 1 dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình. Tầng này gồm đối tượng: tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không triệu chứng cần can thiệp y tế. Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.
Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt. Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, được tiếp nhận ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Bắc Thăng Long; tầng 2 và tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.
Người bệnh đang điều trị HIV, Lao, cơ sở tiếp nhận điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Phổi Hà Nội; ở tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.
Người có bệnh lý tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội phối hợp) và bệnh viện trung ương..
Nguồn VTC: https://vtc.vn/ca-covid-19-tang-manh-ha-noi-co-qua-tai-dieu-tri-f0-ar650830.html