Cả đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc
Đến nay đã hơn 70 tuổi, cuộc sống của nghệ nhân khiếm thị Huỳnh Hữu Trí vẫn gắn với các loại nhạc cụ dân tộc.
Học đàn từ khi 9 tuổi, đến nay đã hơn 70 tuổi, cuộc sống của nghệ nhân khiếm thị Huỳnh Hữu Trí vẫn gắn với các loại nhạc cụ dân tộc. Từ lớp dạy đàn trong ngôi nhà nhỏ của ông đã cho “ra lò” rất nhiều tay đàn lão luyện, góp phần giữ gìn, phát triển bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc lễ ở Tây Ninh.
Đàn là tri âm, tri kỷ
Ông Trí bị khiếm thị từ khi mới lọt lòng mẹ. Gia đình nghèo, ngày còn nhỏ, ông theo cha mẹ từ Tây Ninh sang tỉnh Đồng Nai làm thuê kiếm sống. Lên 9 tuổi, cậu bé Huỳnh Hữu Trí theo học đàn guitar cổ từ danh cầm Năm Quy ở xã Tân Vạn, TP. Biên Hòa. Học xong các ngón đàn guitar phím lõm, ông được thầy dạy tiếp loại đàn cò và nhạc lễ. Đến năm 12 tuổi, ông theo gia đình trở về Tây Ninh sinh sống. 2 năm sau, ông hiến thân vào Ban nhạc lễ Tòa thánh Cao Đài Trung ương phục vụ nhạc lễ của đạo Cao Đài trong những dịp lễ, hội. Năm 1970, chàng trai khiếm thị quê Tây Ninh tìm đến vùng đất phồn hoa đô hội Sài Gòn cộng tác với “lò” cổ nhạc của danh cầm Văn Vĩ.
Vài năm, ông trở về quê nhà ở thị xã Hòa Thành, tiếp tục làm công quả cho đạo Cao Đài. Trong quá trình phục vụ nhạc lễ đạo Cao Đài, ông học hỏi thêm ở những anh em khác các loại đàn sến, tranh, tỳ bà, violin... Thành thạo nhiều ngón đàn, ông Trí mở lớp dạy đàn tại nhà để truyền lại kỹ năng cho những thanh thiếu niên có đam mê âm nhạc dân tộc và nhạc lễ. Hơn 50 năm dạy đàn, người thầy khiếm thị này không nhớ mình đã truyền dạy cho bao nhiêu học trò.
Ông chỉ nhớ có những học viên năng khiếu, chỉ cần học trong 2-3 tháng là đàn được 6 câu vọng cổ, nhưng cũng có nhiều em theo học đến vài năm vẫn chưa đàn được hết các bài bản tổ. Ông Trí cho biết thêm, có nhiều học trò sau khi “ra lò” đã hành nghề ở các tỉnh miền Trung, tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và nhiều người hoạt động âm nhạc trong tỉnh. Trong số học trò của ông có nghệ nhân khiếm thị Lê Hữu Đức ở khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh. Nhiều năm qua, nghệ nhân khiếm thị Lê Hữu Đức cũng noi gương thầy Trí, mở lớp dạy đàn cho nhiều học viên đam mê âm nhạc dân tộc.
Ông Trí tâm sự: “Tôi luôn xem cây đàn là người bạn tri âm, tri kỷ. Có những lúc tôi đàn say sưa mấy giờ liền không thấy mệt mỏi, đến khi buông cây đàn ra mới thấm mệt. Từ khi bà xã qua đời đến nay, tôi càng gắn bó với cây đàn. Những lúc buồn, tôi thường ra sau hè, đàn những bài vợ tôi thích nghe như Giang Nam cửu khúc để vơi đi nỗi nhớ thương”. Hai năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, ông Trí không nhận học viên nữa, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian, công sức tham gia hòa tấu nhạc lễ trong những sự kiện của đạo Cao Đài.
Năm 2015, ông Huỳnh Hữu Trí được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tuổi cao, sức yếu nhưng Nghệ nhân ưu tú này vẫn canh cánh trong lòng về sự phát triển âm nhạc dân tộc. “Tôi mong muốn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa âm nhạc truyền thống vào học đường dạy cho học sinh, để thế hệ trẻ biết được nguồn gốc âm nhạc của dân tộc”.
Truyền đam mê cho thế hệ trẻ
Hai năm nay, ông Trí không còn dạy đàn nữa, thỉnh thoảng những học trò cũ rủ nhau đến nhà thăm thầy thường lấy đàn ra hòa tấu. Học trò nào đã học hát thì trổ tài cho thầy và các đồng môn thưởng thức. Những lúc họp mặt, thầy Trí còn “kiểm tra” tay nghề của “đệ tử”. Anh, chị nào đàn hay, được thầy hết lời khen, động viên. Học trò nào đàn sai bài, lỗi nhịp là thầy nhắc nhở, chỉnh sửa tại chỗ.
Ông Đặng Văn Phừng (nghệ danh Huy Hoàng), 57 tuổi, ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành theo học đàn ở nhà thầy Trí từ năm 2012 đến nay, tâm sự: “Tôi dự định học chơi thôi, nhưng thầy “truyền lửa” lúc nào không hay, học riết đam mê luôn”. Đến nay, ông Phừng đã “chơi” thành thạo đàn guitar phím lõm và thường xuyên đến sinh hoạt tại các CLB đờn ca tài tử ở thị xã Hòa Thành, TP. Tây Ninh.
Nữ học viên Phan Thị Kim Liên (nghệ danh Hoa Liên), ngụ phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh, suốt 14 năm qua thường xuyên đến nhà thầy Trí để thọ giáo loại đàn tranh và học nhạc lễ đạo Cao Đài. “Ra lò”, chị Liên trở thành thành viên CLB đờn ca tài tử cải lương Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Hòa Thành và từng tham gia Hội thi giọng hát hay cải lương do TP. Tây Ninh tổ chức. Nói về thầy Huỳnh Hữu Trí, nữ học viên cho biết: “Thầy dạy dễ hiểu, tận tâm, học viên nào cũng thích. Thầy dạy kỹ từng ngón đàn, phím đàn đến khi thành thạo mới cho ra nghề. Vì vậy, học xong, ai cũng thành danh”.
Anh Phạm Thành Chiến, giáo viên Trường THCS Trà Vong (xã Trà Vong, huyện Tân Biên) là một trong những “đệ tử ruột” của Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Hữu Trí. Đam mê môn nghệ thuật này từ lâu nhưng không có điều kiện đi học, qua người bạn giới thiệu, anh Chiến tìm đến nhà thầy Trí xin thọ giáo. Thời gian đầu, anh Chiến tính học đàn guitar phím lõm, nhưng sau đó anh mê thêm một số loại đàn khác và đeo đuổi lớp học hơn 10 năm. Đến nay, anh thành thạo đàn sến, kìm, violin và đàn được 20 bài bản tổ. “Thầy Trí có phương pháp dạy không giống ai nhưng rất hiệu quả. Thầy nắn nót cho tôi từng ngón đàn, thanh nhấn nhá, thanh vuốt... với từng loại nhạc cụ khác nhau. Lớp học của thầy chú trọng chất lượng chứ không quan trọng số lượng. Năm 2016, tôi tham gia Hội thi đờn ca tài tử cải lương tỉnh Tây Ninh và đạt giải xuất sắc”.
Hiện nay, anh Chiến thường tham gia các hội thi hoặc đi giao lưu đờn ca tài tử cải lương ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu. Theo anh Chiến, bao năm qua, thầy Trí đã âm thầm đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc dân tộc, là người cả đời cống hiến cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ca-doi-cong-hien-cho-am-nhac-dan-toc-a162389.html