Cả đời giữ rừng, nuôi cò
Dù đã 80 tuổi nhưng bà Vũ Thị Khiêm, ở thôn Đồng Dừa, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô vẫn luôn dành trọn tâm huyết để gìn giữ cánh rừng và loài chim trời nơi đây. Đổi bằng nước mắt, mồ hôi, thậm chí là sự nguy hiểm tính mạng để giữ trọn vẹn “linh hồn” cho thiên nhiên và cuộc sống tràn đầy sinh khí cho xóm làng.
Giữ rừng như giữ sinh mạng mình
Về thôn Đồng Dừa không ai là không biết đến bà Vũ Thị Khiêm - người được mệnh danh là “thần hộ mệnh” cho Rừng cò Hải Lựu. Không có bà, loài chim trời này sẽ bị tận diệt, sát hạ không thương tiếc bởi những kẻ chuyên săn bắt, buôn bán.
Trong ngôi nhà cấp 4 đã phai màu thời gian, bà Khiêm kể lại: “Khu rừng này đã có cách đây 75 năm. Tôi lớn lên cùng gia đình trong những màu xanh của lá, của cây. Đời cha mẹ tôi đã trồng cây gây rừng; khi mất, gia tài để lại cũng là những khoảnh vườn, rừng cây. Từ lúc tôi 15 tuổi, khu vườn nơi gia đình sống đã có cò về ở và ngày một nhiều khi vườn cây trở nên rậm rạp”.
Coi những đàn cò là “của nả” mà tạo hóa ban tặng, cô bé Khiêm ngày ấy cùng gia đình đã gìn giữ tận tâm, không bao giờ bắt chúng và tâm niệm phải giữ bằng được báu vật này.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt cướp đi người chồng yêu thương, cô gái Khiêm ngoài 20 tuổi trở thành vợ của liệt sĩ, một mình nuôi con và trải qua bao khó khăn, vất vả, sự nguy hiểm nơi rừng sâu.
Số phận lại như trêu đùa, khi 2 con lớn khôn, thành lập gia đình thì người con trai của bà Khiêm lại bất ngờ qua đời vì tai nạn; bà tiếp tục nuôi các cháu lớn lên trong tình thương bên những cánh rừng già.
Những đứa trẻ đã quen với thiên nhiên và đàn cò trở thành những người bạn gắn bó thân thuộc với chúng. Cuộc sống gia đình của bà Khiêm và các cháu là chăm sóc và bảo vệ cho đàn cò như chính sinh mạng của mình.
Bảo vệ đàn cò, mỗi năm bà Khiêm cùng con cháu trồng thêm nhiều cây cối để làm chỗ cho cò ở và tạo môi trường xanh mát, trong lành. Những cây được gia đình bà trồng chủ yếu có "tuổi đời" lâu năm như lát, giổi, tre, mít, trám, xoan, trẩu, nhãn…
Riêng khu cò trú ngụ, làm tổ chiếm tới 5ha. Nguồn tài nguyên động, thực vật quý giá này được tỉnh, huyện, xã, các ngành chức năng quan tâm và cùng vào cuộc hỗ trợ cho gia đình bà.
Gây dựng thêm "mái nhà" cho đàn cò
Nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã hỗ trợ làm đường, xây dựng hàng rào và biển chỉ dẫn vào khu vực Vườn cò nhằm bảo vệ, bảo tồn cũng như thu hút du khách đến với khu du lịch sinh thái hấp dẫn này. Đồng thời, huyện Sông Lô cũng dành nguồn kinh phí hằng năm chuyển về gia đình để bà trông nom, bảo vệ vườn cò.
Nhưng hầu hết, nguồn kinh phí được hỗ trợ, bà Khiêm đã dành dụm để mua và trồng thêm hàng trăm cây mỗi năm để vườn thêm rậm rạp làm nơi ở lâu dài cho đàn cò. Khu vườn của bà Khiêm đã trở thành ngôi nhà ấm áp của loài chim này; ngày càng có nhiều loài cò về đây sinh sống, làm tổ như cò lửa, cò lửa lùn, cò bợ, cò ruồi, cò xanh.
Với hệ sinh thái đặc biệt này, vườn cò cũng là nơi “nhòm ngó” của nhiều kẻ săn bắt, tận diệt loài chim trời. Bà Khiêm tâm sự: “Đã có nhiều kẻ gian từ xa và thậm chí là những thanh niên trong làng cũng tới rình rập săn bắt cò. Nhiều lần, tôi cùng người dân địa phương và nhờ sự hỗ trợ của các anh công an trong thôn đã bắt được kẻ gian ngay trong đêm. Cũng có lần, chúng trả lại thì những con cò đã chết thảm”.
Bà ngân ngấn nước mắt nhớ có lần 2 thanh niên gần nhà leo cây để trộm cò, bà phát hiện nhưng không nặng lời, nhẹ nhàng khuyên bảo bằng hình thức răn dạy: “Cò nó đang nuôi con, các cháu bắn, bố mẹ nó chết thì ai nuôi nó? Cháu nghĩ đến gia đình mình xem, mình cũng là con, hãy coi cò như chính mình, bố mẹ mình thì cháu sẽ biết xót thương".
Thằng bé nghe vậy tự giác leo xuống, tôi cũng phạt bắt chúng đi quanh sân, sau đó viết biên bản để tự kiểm điểm, ký và hứa không tái phạm”.
Cũng có lẽ vì lòng nhân từ, dạy thanh niên khi phạm tội lần đầu nên nhiều thanh niên trong làng cũng lấy đó làm bài học và không đến khu vườn cò săn bắt nữa. Từ đó, các cháu nhận thức và yêu động vật hơn, cùng ra sức giữ gìn vườn cò quý giá này.
Bà Khiêm cũng chia sẻ, cách để nhận biết cò đang bị rình rập săn bắt, là nhìn thấy đàn cò bay tung lên cao, xao xác. Bởi thế ngày nào bà cũng ra vườn và biết đàn cò đánh động cho mình nếu có kẻ gian.
Có những ngày mưa, nắng hay bị ốm, bà Khiêm vẫn ra vườn đều đặn để trông đàn cò, nhất là vào mùa cỏ đẻ, những con cò bố, cò mẹ đi lại dễ va chạm vào trứng ảnh hưởng đến việc sinh sản của chúng; bà trông chúng như mẹ trông những người con của mình.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lựu Đỗ Thị Mai chia sẻ: “Bà Khiêm là đảng viên gương mẫu, tâm huyết với đàn cò bao năm, không để rừng cò bị xâm lấn và tiếp tục bị săn bắn khiến ai trong thôn cũng nể phục”.
Cuộc sống của gia đình bà Khiêm còn quá nhiều khó khăn, con cháu đều buôn bán, làm ruộng nhưng bà nhất quyết không bao giờ chặt những cây cổ thụ đem bán. Bà cho rằng, những đàn cò như con cháu của mình, không thể để cho chúng không có nơi ở và bị tận diệt nên bà trông nom, chăm sóc và yêu chúng như máu thịt của mình. Vì vậy, cánh rừng cò ngày cành thêm xanh thắm.
Khi hỏi đến mong muốn của mình, bà Khiêm chỉ chăm chú nói về đàn cò: “Tôi chỉ mong cây cối phát triển, quanh năm lá xanh, không rụng thì chim cò mới đậu nên tôi trồng nhiều cây lâu năm mà bất kỳ ai sau này vào đây cũng khó mà khai thác, chỗ nào thưa, tôi rặm rọi lại, trồng xen cây. Cuộc sống có đói nghèo, tôi cũng luôn dạy con cháu không được khai thác hay chia chác đất đai, vườn tược sẽ có tội với ông trời, với tổ tiên…”.
Chính vì vậy mà con cháu bà Khiêm cũng luôn tiếp nối giữ gìn. Cô cháu gái Nguyễn Ngọc Hiên (39 tuổi) chia sẻ với chúng tôi về mơ ước sau này sẽ tiếp tục bảo tồn vườn cò và sẽ mở rộng trồng toàn bộ cây thuốc có giá trị dưới tán cây lớn cò ở và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình sạch để vừa đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình, vừa bảo vệ khu rừng - "mái nhà" để đàn cò trở về trú ngụ an toàn.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/76611/ca-doi-giu-rung-nuoi-co.html