Ca khúc ''Ơi con sông mặt trời'' của NSƯT Đình Nghĩ tiếp tục được vinh danh
Sau khi đoạt giải A (Giải thưởng cao nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành cho tác phẩm xuất sắc năm 2022, ca khúc 'Ơi con sông mặt trời' của NSƯT Đình Nghĩ là tác phẩm duy nhất được chọn giới thiệu dự Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Một lần nữa, 'Ơi con sông mặt trời' tiếp tục được vinh danh tác phẩm xuất sắc tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Như thường lệ, hàng năm Giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2022 được trao ở 3 hạng mục giải thưởng. Đó là giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương; giải thưởng cho tác phẩm của các tác giả là hội viên hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố; và giải tác giả trẻ.
Ở hạng mục thứ nhất, có 9 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương nên giải này trao cho 9 tác phẩm do 9 hội đề cử. Ca khúc “Ơi con sông mặt trời” của NSƯT Đình Nghĩ được trao giải xuất sắc trong hạng mục này, cùng với 8 tác phẩm của xuất sắc nhất của 8 lĩnh vực khác. Có thể kể: Công trình nhà Bình Dương của hai kiến trúc sư Phan Lâm Nhật Nam và Trần Cẩm Linh; vở múa "Chừ đẹ xá p"u (Con đường tìm muối) của biên đạo Phạm Thanh Tùng, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu biểu diễn; cuốn "Bách khoa làng Việt cổ truyền" của tác giả Bùi Xuân Đính; ca khúc "Ơi con sông mặt trời" của Nguyễn Đình Nghĩ; vở diễn "Đất liền và biển cả" của tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, Đoàn cải lương Hải Phòng; bức tranh tròn panorama về trận Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; Phim tài liệu "Hai bàn tay" của đạo diễn Đặng Thị Linh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất; và tập thơ lục bát "Mây trôi phía làng" của tác giả 9X Lê Đình Tiến do Hội Nhà văn Việt Nam đề cử.
Nói về tác phẩm của mình, Nhạc sĩ Đình Nghĩ cho biết, “Ơi con sông mặt trời” thực ra là viết về những dòng suối. Từ cách đây hơn ba chục năm, ông đã viết bài hát “Kể chuyện dòng suối”, mà những dòng suối chỉ có ở cao nguyên Lâm Viên, cao nguyên Lang Biang, chỉ có Đà Lạt mới có. Những con suối như hình thành nên cả đất trời này, ngay cả hồ Xuân Hương cũng được hình thành từ một con suối. Những địa danh như Đạ Nhim là suối nước mắt, Đạ Đờng là dòng sông mẹ lớn, Đa Me là dòng suối mẹ, Đạ Sar là dòng suối cát…; tất cả “Đạ” đó đều là những dòng nước mát lành gom lại nuôi lớn, những đồi chè, nương dâu, làm cho cỏ hoa Đà Lạt tươi đẹp, mộng mơ, nuôi lớn bao thế hệ, làm cho cao nguyên này xanh tươi muôn đời.
Cũng với mạch nguồn ý tưởng đó, nhạc sĩ Đình Nghĩ viết “Ơi con sông mặt trời” - “Con sông” ở đây vẫn chính là những dòng suối mang những cái tên, những đặc trưng của Đà Lạt, Lâm Viên. Trong đó, những dòng suối được ví như những dòng sữa mẹ nuôi lớn cho ta hàng ngày, nuôi lớn cả cao nguyên bao la này. Hình tượng dòng suối như những dòng sữa mẹ ào ạt tỏa đi muôn nơi mang dưỡng chất đi khắp núi đồi của Lâm Đồng – Đà Lạt làm nên miền đất xinh tươi, trù phú, nuôi lớn những con người, những chàng trai cô gái Cil, Mạ, K’Ho, Chu ru và các dân tộc anh em hội tụ về đây.