Ca khúc thiếu nhi đang ở đâu?

Một thực tế khác là hiện nay, rất ít nhạc sĩ chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Khoảng hơn 10 năm trước, khi bài hát “Gangnam style” cùng “điệu nhảy ngựa” của nam ca sĩ Psy (Hàn Quốc) gây sốt toàn cầu, nhiều trường mẫu giáo và tiểu học thường phát bài hát này với âm thanh lớn để chào đón các bạn nhỏ vào buổi sáng. Điệp khúc “Eh, sexy lady” trở đi trở lại theo nhịp chân vui tươi của trẻ nhỏ bước vào lớp. Chẳng ai nghĩ đó là một ca khúc dành cho người lớn.

“Gangnam style” chỉ là một trong nhiều ca khúc bị/được dùng sai không gian, sai đối tượng. Thực trạng trẻ em hát hay nhảy theo những bài hát/ điệu nhảy dành cho người lớn càng ngày càng trở nên phổ biến.

Một em bé đang tuổi mẫu giáo có thể thuộc lòng các bài hát như “Cắt đôi nỗi sầu”, “Bên trên tầng lầu” hay “Vợ người ta”, dù vừa mới đây thôi, ở lớp học, cô giáo còn uốn nắn từng ca từ của “Con cò be bé”, “Cả nhà thương nhau” hay “Chiếc đèn ông sao”.

Ở trường tiểu học hay trung học cơ sở, khi có các cuộc thi văn nghệ, phụ huynh lại đứng ra làm “tổng đạo diễn”, thuê người đến dạy nhảy, dạy hát, kèm tư vấn những bài hát những điệu nhảy đang cực hot, dễ ăn điểm, dễ đoạt giải.

Tại các cuộc thi âm nhạc tìm kiếm tài năng nhí, tìm đâu ra những ca khúc thiếu nhi? Ở tuổi lên 10, ca sĩ Phương Mỹ Chi tỏa sáng trong chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt Nhí nào phải với sáng tác dành cho lứa tuổi của em?

Tương tự, “Thần tượng âm nhạc nhí” Hồ Văn Cường già nua trong vẻ ngoài non nớt, hát các ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Bà Năm”, “Con đường xưa em đi”..., trong sự ủng hộ, thích thú của Ban giám khảo toàn người lớn.

Ở đâu, những ca khúc dành cho thiếu nhi?

Thực tế ở các giờ học âm nhạc trong nhà trường, thầy cô giáo vẫn dạy các em những sáng tác tiêu biểu từ hàng chục năm trước như “Tre ngà bên lăng Bác”, “Dàn đồng ca mùa hạ”, “Chú bộ đội và cơn mưa”…

Đây là những bài hát có giai điệu và ca từ đẹp, ý nghĩa, giàu tính thẩm mỹ tính giáo dục. Song không biết có phải vì cách truyền đạt chưa sinh động hay thị hiếu trẻ em đã khác mà “chữ thầy lại trả thầy”. Về đến nhà, các em lại “nghêu ngao” các bài hát đang nổi, “bắt trend” với thị trường.

Một thực tế khác là hiện nay, rất ít nhạc sĩ chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi. Ca khúc mới đã ít, lại càng hiếm khi được phổ biến, truyền thông hiệu quả. Bởi từ những nốt nhạc trên giấy chuyển thành audio MP3 hay MV ca nhạc phải tốn rất nhiều tiền bạc, công sức. Không phải nhạc sĩ nào cũng có tiềm lực kinh tế mạnh.

Bài hát phối, thu xong, giản đơn nhất là phát hành trên kênh YouTube cá nhân; song nếu không hợp thị hiếu, không biết cách truyền thông, không đủ lực lượng cày view, thì bài hát ấy không thể trở thành hiện tượng để giới trẻ ủng hộ, săn đón. Các nhà văn hóa, trung tâm nghệ thuật cho trẻ em cũng không có đủ năng lực để làm điều này.

Ca khúc dành cho thiếu nhi đang ở đâu trong đời sống âm nhạc? Đây thực sự là một câu hỏi khó trả lời, trong hiện tại và cả tương lai gần, khi nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chi tiền tỉ cho con học trường quốc tế và thích thú ngắm nhìn con nhảy Gangnam style.

Vũ Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ca-khuc-thieu-nhi-dang-o-dau-post732195.html