Ca khúc Việt: Những mùa xuân từ thơ đến nhạc
Mùa xuân tự bao đời đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Trong vô vàn các thi phẩm về mùa xuân của văn học Việt Nam hiện đại, đã có những bài thơ được chắp cánh thêm một đời sống mới, đó là khi gặp được sự đồng điệu của nhạc sĩ để mang đến một giai điệu cho thi phẩm, tạo nên những ca khúc được phổ từ thơ và có sức sống vượt thời gian.
Nhìn lại lịch sử ca khúc Việt trong thế kỷ XX, bài thơ về mùa xuân đầu tiên được phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng có lẽ là bài "Gái xuân" (thơ Nguyễn Bính, nhạc Từ Vũ). Nguyễn Bính viết bài "Gái xuân" từ trước 1945, nằm trong tập "Mây Tần" (1942) và cho đến 11 năm sau (1953) mới được Từ Vũ, một nhạc sĩ gốc Bắc di cư vào miền Nam và phổ nhạc. Toàn bộ phần lời của bài thơ được giữ nguyên: "Em như cô gái hãy còn xuân/ Trong trắng thân chưa lấm bụi trần/ Xuân đến hoa mơ hoa mận nở/ Gái xuân giũ lụa trên sông Vân/ Lòng xuân lơ đãng má xuân hồng/ Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng/ Đôi tám xuân đi trên mái tóc/ Đêm xuân cô ngủ có buồn không?".
Hơn 70 năm qua, ca khúc "Gái xuân" đã được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Hồi mới lớn, moa đã rất thích bài này. Có thể nói, Tết mà thiếu Ly rượu mừng, Xuân và tuổi trẻ, Gái xuân là mất đi một nửa mùa xuân”. Sau "Gái xuân", Nguyễn Bính còn cống hiến cho ca khúc Việt một nhạc phẩm đặc sắc nữa khi bài thơ "Mưa xuân" của ông được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc rất thành công, mang đậm âm hưởng dân gian, phảng phất làn điệu ca trù. Nếu như nguyên bản bài thơ gồm 11 khổ với 44 câu thì khi phổ nhạc, Huy Thục chỉ chọn 4 khổ 16 câu để viết nên ca khúc: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/…Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng lỡ làng"…
Năm 1953, nhà thơ Cầm Giang viết bài thơ "Núi Mường Hung dòng sông Mã" ca ngợi tình yêu đôi lứa mang đậm âm hưởng núi rừng Tây Bắc. Bài thơ đã gặp được sự đồng điệu của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh để trở thành ca khúc "Tình ca Tây Bắc" (1959) nổi tiếng. Ca khúc được ra đời khi miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, bởi vậy phần ca từ được phát triển thêm không khí tươi vui rộn rã của ngày toàn thắng: "Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng/ Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh/ Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng/ Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân".
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phải kể đến ca khúc nổi tiếng "Đường chúng ta đi" (Nhạc Huy Du, thơ Xuân Sách) được viết ở giọng Đô trưởng với âm hưởng trong sáng, tự hào, khỏe khoắn và tràn ngập sức xuân. Điều thú vị là phần lời của ca khúc trùng khít với phần lời của bài thơ, nhạc sĩ hầu như không phải thêm bớt một chữ nào: "Dặm đường xa, ta đi giữa mùa xuân. Ta đi giữa tình thương của Đảng. Tiếng Bác Hồ rung động mãi trong tim. Đường ta đi ánh lửa soi đêm dài. Đường ta về trong nắng ấm ban mai. Việt Nam! Việt Nam! Qua từng bước gian nan lớn lên rồi đẹp lắm những mùa xuân".
Sau năm 1975, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, lại có thêm nhiều ca khúc mùa xuân được phổ từ thơ trong những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 thế kỷ XX, mang đầy niềm hạnh phúc của con người trong một kỷ nguyên mới, dẫu rằng chưa hết những gian nan. Nhạc sĩ Trần Hoàn tỏ ra rất có duyên với việc phổ nhạc khi cả hai bài hát "Tình ca mùa xuân" (thơ Nguyễn Loan) và "Mùa xuân nho nhỏ" (thơ Thanh Hải) đều trở thành những ca khúc nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi.
Trong ca từ của "Tình ca mùa xuân", hiện lên một tình yêu đôi lứa trong không khí hăng say vừa xây dựng vừa bảo vệ đất nước, tiền tuyến và hậu phương đồng lòng gắn bó: "Và chúng mình yêu nhau bắt đầu từ độ ấy. Em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương. Và anh lại ra đi vui như ngày hội. Mùa xuân biên giới súng anh gác trời xa".
So với "Tình ca mùa xuân", số phận của "Mùa xuân nho nhỏ" có phần đặc biệt hơn. Bài thơ được Thanh Hải viết trong những ngày cuối đời khi nằm trên giường bệnh, bày tỏ khát khao được cống hiến, được góp phần nhỏ bé của mình vào mùa xuân của đất nước: "Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc".
Nhạc sĩ Trần Hoàn vốn là một người bạn lâu năm của nhà thơ Thanh Hải đã nhanh chóng bắt được vẻ đẹp đầy nhạc tính của bài thơ để phổ thành ca khúc, kịp mang đến hát cho Thanh Hải nghe khi Thanh Hải vẫn nằm trên giường bệnh. Nghe xong, Thanh Hải mỉm cười hạnh phúc mà nói với bạn rằng: “Hoàn à, mình tin rằng bài này sẽ nổi tiếng như bài Lời ru trên nương”. Quả đúng như vậy, ngay Tết Nguyên đán Tân Dậu (1981) năm ấy, "Mùa xuân nhỏ nhỏ" được ca sĩ Kim Phúc thu âm và vang trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hơn 40 năm qua, ca khúc đã có thêm vô số những bản thu âm của các thế hệ ca sĩ, trở thành một trong những ca khúc được nghe nhiều nhất mỗi khi Tết đến xuân về.
Cũng ở đầu thập niên 80 thế kỷ XX, còn phải kể đến ca khúc "Khát vọng mùa xuân" của nhạc sĩ Huy Du phổ thơ Huy Cừ. Từ lời thơ trở thành ca từ ca khúc mang vẻ đẹp của sự hồi sinh, một sức sống mới đang nảy nở sinh sôi khắp đất trời và trong cả lòng người, thắp lên trong mỗi tình yêu đôi lứa: "Khi giọt mưa, khi giọt mưa của mùa xuân rơi xuống. Em biết rằng em biết rằng giông tố đã bình yên. Gió heo may phiến lá vàng lại sống. Lạnh lẽo qua rồi mưa như lửa bùng lên".
Cả ba ca khúc "Tình ca mùa xuân", "Mùa xuân nho nhỏ" và "Khát vọng mùa xuân" đều có một cấu trúc khá giống nhau với đoạn A viết ở giọng thứ với tốc độ vừa phải rồi từ đoạn B ly điệu sang giọng trưởng, đồng thời thay đổi về tốc độ, nhịp điệu trở nên khẩn trương, sôi nổi, lôi cuốn rồi dẫn về một cái kết đầy sâu lắng cho tác phẩm: "Mùa xuân đến mùa xuân đến. Em hát cùng anh em hát cùng anh. Những khát vọng mùa xuân những khát vọng mùa xuân…".
Trong số những ca khúc Việt về mùa xuân được phổ từ thơ, có lẽ đặc biệt hơn cả là bài "Mùa xuân" của Phạm Minh Tuấn, được phổ từ thơ của nữ sĩ người Nga Elena Shirman (1908 - 1942). Ca khúc được viết năm 1983 và người thể hiện đầu tiên chính là ca sĩ Ngọc Tân. Thế nhưng lúc ấy, tình hình biên giới phía Bắc vẫn chưa yên. Bài hát không được phổ biến, một nhạc sĩ đã viết bài trên báo phê phán ba bài hát ủy mị, không có lợi cho tình hình lúc đó. Đó là các bài "Em vẫn đợi anh về" (Hoàng Hiệp - Lê Giang), "Mimosa" (Trần Kiết Tường) và "Mùa xuân" (Phạm Minh Tuấn).
Có lẽ nhà chức trách khi đó không hài lòng nhất với phần ca từ nửa đầu của bài hát bởi nó lột tả trực diện sự hủy diệt của chiến tranh: "Một mai anh chiến thắng trở về. Đôi vai gầy và đôi mắt sâu, tóc đã điểm bạc. Làn da nay sạm màu sương gió. Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa. Và từ đấy em nhận ra anh. Không phải trong mơ không phải trong thơ. Em ùa dậy, chạy đến chạy đến rồi khóc". Thế nhưng ở nửa sau bài hát lại là một cái kết đầy yêu thương, tràn đầy niềm tin yêu hy vọng: "Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng dãi dầu. Anh người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng bạc màu. Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím. Và anh nói tặng em mùa xuân. Ngày ấy sẽ đến. Ôi ngày ấy sẽ đến. Anh sẽ về phải không anh".
Ngược dòng thời gian, nếu người ta biết về tiểu sử của nữ sĩ Elena Shirman, hẳn sẽ có cách ứng xử khác với ca khúc. Bà sinh ngày 3/2/1908 tại thành phố Rostov bên bờ sông Đông, tốt nghiệp Trường Viết văn Gorki năm 1941. Khi cuộc chiến tranh vệ quốc nổ ra, tháng 7/1942, trên đường đi công tác, bà bị quân phát xít bắt. Quân Đức đã lột sạch quần áo, bắt bà phải tự đào huyệt cho chính mình. Nữ sĩ khi ấy mới 34 tuổi, bình thản đào huyệt, sẵn sàng đón nhận sự hy sinh.
Bài thơ gốc mang tên "Trở về" được bà viết trước đó một năm (1941) với lời đề từ là hai câu thơ mở đầu bài “Đợi anh về” của Simonov: "Em ơi đợi anh về/ Đợi anh về em nhé". Bài thơ của Elena Shirman sau đó được tìm thấy trong cuốn nhật ký của bà, được in vào tuyển tập và lan truyền rộng rãi khắp nước Nga, thường được đem ra đọc vào Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5. Đến nay, ca khúc "Mùa xuân" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã được phổ biến rộng rãi và trở thành một trong những bài hát nổi tiếng về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.
Như vậy, nhìn lại lịch sử ca khúc Việt thế kỷ XX, trong hàng trăm ca khúc nổi tiếng về mùa xuân, có không ít ca khúc được phổ từ những bài thơ. Trong những trường hợp như vậy, ta cảm nhận được sự đồng điệu, tri âm của những người nghệ sĩ, mang thêm cho tác phẩm một đời sống mới, chắp cánh cho thi phẩm lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.