Cả làng Xứ Nghệ xuất ngoại tầm trâu Thái Lan bán sang Trung Quốc
Từ buôn trâu bò ở chợ, người dân xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) ngày nay còn 'xuất ngoại', tầm trâu bò từ Thái Lan bán sang Trung Quốc.
Làng buôn trâu bò “xuyên Việt”
Cuối năm, mỗi ngày có vài chục chiếc xe tải nối đuôi nhau về xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Từ trên thùng xe, hàng trăm con trâu bò được người dân dắt xuống đưa về chuồng trại tập kết.
Số trâu bò này chủ yếu được người dân Đại Sơn mua từ Lào, Thái Lan rồi mang về tập kết quanh khu vực chợ Ú trước khi bán cho các thương lái Trung Quốc. Giáp Tết, cảnh mua bán trâu bò ở địa phương này lại càng trở nên nhộn nhịp, khẩn trương hơn ngày thường.
Sau vài cuộc điện thoại, ông Hoàng Văn Bình (SN 1969, trú xóm 4, xã Đại Sơn) vui mừng cho biết ông vừa chốt được đơn hàng bán 90 con trâu, 100 con bò cho một thương lái Trung Quốc.
Trước đây, chợ Ú ở xã Đại Sơn là nơi để người dân trong và ngoại tỉnh buôn bán trâu bò. Hằng tháng, chợ Ú chỉ họp 6 phiên vào ngày 1, 6, 11,16, 21, 26 âm lịch. Mỗi phiên có cả nghìn con trâu, bò được người dân mua bán, trao đổi.
Tuy nhiên, theo ông Bình, giờ đây việc buôn bán trâu bò không còn phụ thuộc vào phiên chợ nữa mà diễn ra hàng ngày, miễn là có nguồn hàng.
Để đáp ứng các đơn hàng, mỗi dân buôn phải có đội quân chuyên đi “săn” trâu bò khắp cả nước. Nếu nguồn trâu, bò trong nước không đủ, họ khăn gói qua Lào, Thái Lan để tìm mua.
“Nguồn trâu bò ở nước ngoài nhiều, việc mua bán cũng dễ. Nhưng để kiếm được trâu bò tốt, chúng tôi phải lặn lội hàng tuần lễ trong các bản làng vùng cao. Có lúc phải ăn, ở ngay trong rừng sâu để mua cho kịp chuyến hàng”, ông Bình nói
Nhờ mang lại thu nhập cao nên 2 trong số 3 người con nhà ông Bình nối nghiệp đi buôn trâu bò. Sau vài chuyến xuất ngoại theo cha đi mua trâu, nhiều năm nay cả 2 người con của ông Bình đều cắm chốt ở Thái Lan để mua trâu bò chuyển về quê.
Do trâu bò luân chuyển về liên tục nên với ông Bình cũng như những dân buôn khác, việc mua hàng “sạch”, không có bệnh truyền nhiễm là điều tối quan trọng. Tất cả trâu bò mua về đều phải được cơ quan y tế kiểm dịch, xe tải, chuồng trại được phun khử trùng đầy đủ.
“Nghề buôn trâu bò có từ thời cha ông, đến con trai tôi là đời thứ 5. Lúc đầu buôn một vài con mỗi phiên chợ, giờ ngày bán hàng chục con. Có lẽ cũng vì cái duyên, chẳng phải học hỏi gì cả, mỗi lần đi mua trâu bò tôi cũng chỉ bảo các con chỉ cần tinh ý quan sát con trâu già, khung xương lớn, da mỏng, chân nhỏ... như vậy sẽ dễ bán hơn”, người đàn ông chia sẻ.
Kiếm cả trăm triệu mỗi tháng
Hối thúc công nhân mang cám, cỏ cho đàn trâu bò hơn 50 con vừa mua từ Thái Lan về, anh Trần Huy Hoa (SN 1975, trú xóm 4, xã Đại Sơn) cho biết, ngoài 7 nhân công chăm sóc trâu, bò ở nhà, anh còn thuê thêm 7 người khác sang Lào và Thái Lan tìm mua trâu bò.
Trung bình mỗi tháng, anh Hoa xuất bán gần 1.000 con, số hàng này chủ yếu được bán sang Trung Quốc.
Nhớ lại những ngày mới theo chân bố đi học nghề buôn, anh Hoa kể, lúc đó hai bố con chỉ đi bằng xe đạp, vượt cả trăm cây số tìm mua trâu bò.
“Mua được trâu bò xong cũng không có xe cộ chở về, đường sá cũng xấu nên phải thuê thuyền chở ngược ra. Nhiều lúc mua xong, đưa được chục con trâu về nhà mất cả tuần chứ không dễ. Thậm chí có những con quá yếu chết trên đường đi coi như mất vốn”, anh Hoa chia sẻ.
Do trâu bò được vận chuyển qua một quãng đường dài nên ngoài việc chọn lựa những con trâu bò tốt, họ còn phải chọn những con to, khỏe. Trâu bò sau khi được vận chuyển từ bên kia biên giới về, anh Hoa sẽ tiếp tục phân loại những con không đạt chuẩn để vỗ béo, bán lẻ cho các lò mổ.
Theo người đàn ông này, số trâu bò giữ lại để vỗ béo chủ yếu là do gầy, ngoại hình xấu nên không thể xuất sang Trung Quốc.
Việc vỗ béo đàn trâu bò kéo dài trong vài tuần đến vài tháng. Thức ăn chủ đạo vẫn là cỏ voi và một số phụ phẩm như cám cò, bã bia, cám ngô.
“May mắn thì tháng cũng kiếm được vài trăm triệu. Nhưng cũng có nhiều rủi ro như việc trâu bò đi quãng đường xa bị chết, thậm chí còn bị thương lái bùng hàng. Vài tháng trước, tôi xuất chuyến hàng gần 1 tỷ đồng sang Trung Quốc nhưng mất trắng do thương lái bùng tiền”, anh Hoa kể lại.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết, toàn xã hiện có trên 200 gia đình làm nghề buôn bán trâu bò, đây cũng là nghề giúp người dân địa phương làm giàu.
“Ngoài lao động ở nhà, xã có hơn 100 người thường xuyên ở Lào và Thái Lan để mua trâu bò. Người buôn bán lớn thì tháng cũng kiếm được vài trăm triệu, còn trung bình thì vài chục triệu”, ông Toàn nói.