Ca mắc mới vẫn tăng; Singapore chính thức thu phí bệnh nhân không tiêm phòng

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 579.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 268,6 triệu ca, trong đó trên 5,3 triệu ca tử vong.

Ca tử vong và mắc mới vẫn tăng; biến chủng Omicron lan tới nhiều nước Thêm 14.508 ca trong 24 giờ; tăng cả số ca mắc mới và trong cộng đồng Anh có số ca mắc mới cao nhất; Nga giữ "kỷ lục" ca tử vong

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 95.000 ca), Pháp (56.854 ca) và Anh (50.867 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.181 ca), Mỹ (859 ca) và Ba Lan (562 ca).

Xét về tổng ca mắc từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất, với trên 50,5 triệu ca mắc và trên 814.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 34,6 triệu ca mắc và Brazil với trên 22,1 triệu ca mắc.

Trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện ở nhiều quốc gia, ông Takaji Wakita, Viện trưởng Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIID) Nhật Bản, đã cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Omicron. Ông cho biết biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn bất cứ biến thể nào khác của virus SARS-CoV-2. Trong giai đoạn đầu bùng phát biến thể Omicron ở Nam Phi, hệ số lây nhiễm của biến thể này cao gấp 4,2 lần so với hệ số lây nhiễm của biến thể Delta.

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) lên tiếng cảnh báo với việc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cho đến nay đã xuất hiện tại Argentina, Brazil, Canada, Chile, Mexico và Mỹ, khả năng biến thể này lây lan sang các quốc gia khác tại châu Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo quan chức của PAHO, vaccine vẫn là một công cụ quan trọng để giảm thiểu số ca nhập viện và tử vong do COVID-19, cũng như hạn chế sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ngày 9/12, Pháp phát hiện 56.854 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 8.105.785 ca. Theo Cơ quan Y tế công cộng Pháp, tỷ lệ mắc bệnh tại nước này hiện là 448 ca/100.000 dân. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua là 136 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay là 120.168 ca.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 6/12/2021.

Anh có 50.867 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 9/12, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 10.660.981 ca. Ngoài ra, số ca tử vong mới là 148 ca. Ngày trước đó, ca mắc mới ở Anh cũng trên 50.000 ca. Phần lớn số ca mắc mới là nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, số ca nhiễm Omicron cũng đang gia tăng, với 131 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 568 ca.

Trong thông báo cập nhật ngày 8/12, Đan Mạch đã ghi nhận 6.629 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Điều đáng lo ngại là hiện quốc gia Bắc Âu này đã có 577 ca nhiễm biến thể Omicron sau khi xác nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể này vào ngày 22/11.

Ngày 9/12, Italy thông báo phát hiện 12.527 ca mắc mới. Cùng lúc, số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên mức 134.551 ca, cao hơn 79 ca so với một ngày trước đó. Kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 2/2020 đến nay, Italy ghi nhận tổng cộng 5,16 triệu ca mắc.

Ngày 9/12, Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 7.000 ca, trong khi số bệnh nhân nguy kịch tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn và hiệu quả của vaccine giảm dần. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có 7.102 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 496.584 ca. Số ca mắc mới đã giảm nhẹ so với mức kỷ lục 7.175 ca ghi nhận ngày 8/12. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tăng 57 ca lên tổng cộng 4.077 ca. Đáng chú ý, số bệnh nhân nguy kịch tăng 857 ca, mức cao nhất từ trước đến nay, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải của Hàn Quốc.

Bộ Y tế Israel thông báo kéo dài thời gian điều trị cách ly đối với những người nhiễm biến thể Omicron từ 10 ngày lên 14 ngày. Các trường hợp mắc biến thể khác chỉ cần cách ly 10 ngày. Cho đến nay, Israel đã ghi nhận 21 ca mắc biến thể Omicron và 21 ca nghi nhiễm biến thể này.

Một khu vực bị phong tỏa sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 tại La Habana, Cuba.

Ngày 8/12, hãng thông tấn ACN của Cuba đưa tin nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Bệnh nhân là một nhân viên y tế, sinh sống tại tỉnh Pinar del Rio của Cuba, trở về từ Mozambique hôm 27/11. Sau đó một ngày, người này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Giải trình tự gene cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron.

Trong ngày 9/12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 27.700 ca mắc COVID-19 và 540 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.306.756 ca, trong đó 296.035 người tử vong.

Cũng trong ngày 9/12, Malaysia và Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN, chỉ sau Việt Nam. Malaysia ghi nhận 5.020 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 2.673.019. Còn Thái Lan ghi nhận 4.203 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.156.587 ca.

Bộ Y tế Lào ngày 9/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.212 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố và 5 ca tử vong.

Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Lào ở mức 4 chữ số, trong đó đa số là lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn vẫn ở mức cao với 610 trường hợp trong một ngày, tiếp tục đứng đầu cả nước. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn diễn biến phức tạp. Đến nay, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 84.503 ca, trong đó có 224 ca tử vong.

Kể từ ngày 8/12, Chính phủ Singapore chính thức bắt đầu thu phí điều trị với những bệnh nhân mắc COVID-19 không tiêm phòng. Trái lại, những người đã tiêm vaccine vẫn sẽ được miễn các chi phí này. Các nhà dịch tễ học cho biết Singapore là quốc gia đầu tiên áp dụng chính sách thu tiền viện phí của bệnh nhân COVID-19 không tiêm phòng.

Chính phủ Singapore cho biết khoảng 95% số ca tử vong trong 6 tháng qua là những người từ 60 tuổi trở lên và 72% số ca tử vong là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021.

Kể từ tháng 4/2021, Bộ Y tế Campuchia đã xem xét việc điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) có triệu chứng nhẹ tại nhà để giảm tải cho các cơ sở chữa bệnh.

Kinh nghiệm điều trị F0 tại nhà là mô hình được Campuchia áp dụng theo Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu mà những nước này thực hiện từ năm 2020, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng. Tính đến tháng 7/2021, tức là chỉ sau 3 tháng áp dụng mô hình này (thời điểm số ca mắc COVID-19 mới tại Campuchia tăng trung bình 900 người và và trường hợp tử vong khoảng 20 ca/ngày), tỷ lệ số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) lựa chọn được điều trị tại nhà riêng đã tăng đáng kể.

Theo Giám đốc Sở Y tế Phnom Penh Ngy Mean Heng, riêng trong tháng 7 vừa qua, khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) được điều trị tại nhà sau khi đã kiểm tra sức khỏe của họ và đánh giá điều kiện cơ sở vật chất tại nhà riêng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-mac-moi-van-tang-singapore-chinh-thuc-thu-phi-benh-nhan-khong-tiem-phong-96970.html