Cà Mau: Chủ động ứng phó với mưa dông, thủy triều dâng cao
Tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, thống kê từ ngày 15/7 đến sáng 20/7, thiên tai đã làm hư hại 336 căn nhà tại các huyện Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước, U Minh, Thới Bình, Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau. Nhiều tuyến đường nội ô thành phố Cà Mau bị ngập cục bộ do mưa lớn kéo dài từ chiều đến tối 19/7, ảnh hưởng tới hoạt động giao thông, đi lại của người dân.
Ngoài ra, mưa dông trên địa bàn tỉnh làm đổ 34 cây xanh và 6 trụ điện; sóng lớn đã làm một đoạn kè bằng vật liệu cừ bản nhựa bị sụt, lún phần mặt bê tông chiều dài khoảng 50 mét; trên biển có 2 tàu cá (số hiệu CM 5068 TS và CM 95227 TS) bị sóng to đánh chìm ở vùng biển Bà Rịa - Vùng Tàu. 11 thuyền viên trên hai tàu cá đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng Cà Mau cùng ngư dân hỗ trợ cứu vớt an toàn. Các địa phương đang rà soát, thống kê thiệt hại về tài sản do ảnh hưởng thiên tai; đồng thời huy động lực lượng cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tình hình thời tiết, mưa dông trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, ngay sau khi bão số 1 (Talim) vừa tan, một vùng áp thấp khác lại xuất hiện. Dự báo, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão trong vài ngày tới.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp chằng chống nhà ở, gia cố bờ bao…giúp người dân hạn chế thất thoát, bảo vệ vụ mùa sản xuất. Đặc biệt, người dân cần nêu cao tinh thần chủ động, không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống thiên tai.
Trong mùa mưa bão năm nay, cơ quan chức năng chuẩn bị tốt phương án tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm hoặc ở ven biển, ven tuyến đê vào nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra bão; thường xuyên kiểm tra, kịp thời chỉ đạo xử lý, gia cố vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất, đoạn đê, lộ thấp để phòng tránh thiệt hại. Bên cạnh đó vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống, đập, trạm bơm để chủ động tiêu thoát nước, ngăn triều bảo vệ diện tích sản xuất; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý ngay sự cố sạt lở, đảm bảo an toàn tuyến đê và công trình ven biển.
Cơ quan chức năng tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản trên biển, kiên quyết ngăn không cho tàu cá ra khơi trong điều kiện thời tiết xấu hoặc có bão.