Cà Mau: Dân tố bị chủ đầu tư khu đô thị triệt đường sinh kế
Mặc dù chưa thực hiện bồi thường, nhưng khi một hộ dân ở Cà Mau sử dụng phần đất của mình cho người khác thuê để tạo thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình thì bị chủ đầu tư của một dự án khu đô thị rào chắn, ngăn chặn nhằm triệt đường sinh kế của dân.
Ông Phan Quốc Hùng, ngụ ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bức xúc phản ánh với PV Một Thế Giới về việc ông bị chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tài Lộc lập hàng rào ngăn chặn việc ông cho thuê đất của mình để tạo sinh kế, trang trải cuộc sống gia đình.
Theo trình bày của ông Hùng, vào khoảng năm 2007, Công ty TNHH Tài Lộc được ngành chức năng tỉnh Cà Mau có chủ trương giao đất để xây dựng Khu đô thị Lộc Tài. Trong dự án này, gia đình ông Hùng bị ảnh hưởng hơn 5.000m2, nhưng đến nay đã hơn 10 năm trôi qua nhưng gia đình ông Hùng cũng như nhiều hộ dân khác có đất bị ảnh hưởng quanh khu vực này vẫn chưa được chủ đầu tư mời thương thảo về mức giá bồi hoàn.
“Khu đất của gia đình tôi bị giải tỏa trắng để xây dựng Trung tâm thương mại, thuộc dự án Khu đô thị mới Tài Lộc. Họ bảo khu đất của tôi nằm trong quy hoạch nên không cho tôi xây dựng, cải tạo vườn, trồng cây, đào ao nuôi cá…, nói chung là không cho làm bất cứ điều gì hết. Dự án kéo dài nhiều năm rồi nhưng đến nay tôi chưa nhận được của chủ đầu tư dự án đồng bạc nào.
Ngày trước, ông Phạm Văn Nên, Giám đốc Công ty TNHH Tài Lộc trực tiếp đứng ra đối thoại với chúng tôi, sau này ông Nên mắc bệnh thì ủy quyền lại cho vợ là bà Nguyễn Ngọc Hoa. Nay ông Nên qua đời rồi, còn bà Hoa thì không trực tiếp vào đây để thương thảo bồi hoàn gì với dân cả”, ông Hùng cho biết.
Bức xúc vì dự án nhiều năm không được triển khai, nhưng người dân thì không được sử dụng phần đất của chính mình để tạo sinh kế cho gia đình nên ông Hùng đã có đơn yêu cầu đến chính quyền địa phương sớm có biện pháp buộc chủ đầu tư dự án bồi thường thành quả lao động trên đất cho ông trong suốt hơn 10 năm trong diện giải tỏa trắng mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện.
“Tôi đòi bồi thường và chính quyền xã đã một lần đưa ra hòa giải nhưng bất thành. Tại cuộc hòa giải, phía chủ đầu tư trả lời không thường bồi gì rồi bãi bỏ cuộc hòa giải, cho tới nay không ai đả động gì tới. Chủ đầu tư không chấp nhận bồi hoàn nên tôi cho thuê để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống thì họ lại ngang nhiên lập hàng rào quanh khu vực đất mà dự án đã bồi hoàn cho người dân rồi, nhằm ngăn chặn việc tôi cho người khác thuê. Tôi cho thuê có hợp đồng hẳn hoi và cam kết khi dự án thực hiện sẽ hoàn trả chứ không yêu cầu, khiếu nại gì. Phần đất họ rào chắn là con lộ và phần vỉa hè sau này cũng giao cho nhà nước chứ có thuộc quyền sử dụng của họ đâu mà làm như vậy?”, ông Hùng bức xúc.
Theo tìm hiểu của PV, đây không phải là lần đầu tiên chủ đầu tư Khu đô thị Tài Lộc thực hiện việc rào chắn không cho người khác xây cất trên đất quay ra phía đường của dự án. Trước đó, đơn vị trên cũng đã thực hiện việc làm tương tự đối với một mảnh đất nằm ngay trước cổng ra vào của khu đô thị này.
Trao đổi với PV qua điện thoại, bà Nguyễn Ngọc Hoa, người đại diện Công ty TNHH Tài Lộc, đơn vị chủ đầu tư Khu đô thị Tài Lộc ngắn gọn: “Hiện tại tôi đang ở nước ngoài, khi nào về Việt Nam tôi sẽ liên hệ lại sau”.
Đến chiều 19.4, một người đàn ông tên Sang gọi cho PV giới thiệu là người của Công ty TNHH Tài Lộc muốn gặp để cung cấp thông tin. Qua trao đổi, người này phủ nhận việc triệt sinh kế của người dân. "Chủ đầu tư đã được ngành chức năng giao đất nên chúng tôi có quyền quản lý, không có chuyện ngăn cấm, dân có quyền sử dụng, canh tác đúng mục đích. Riêng việc rào chắn, vì dự án chưa bàn giao nên chúng tôi được quyền bảo vệ tài sản của mình, tránh bị hư hỏng. Đối với việc rào chắn trước cổng, vì nơi đây là cổng phụ, đất của công ty mua và có chủ quyền nên chúng tôi rào chắn để bảo vệ tài sản", người đại diện Công ty TNHH Tài Lộc thông tin.
Một lãnh đạo UBND xã Lý Văn Lâm cho rằng, hiện chủ đầu tư Khu đô thị Tài Lộc chưa hoàn thiện đầy đủ cơ sở hạ tầng, chậm trễ trong việc bàn giao. “Khu đất đó dự tính thu hồi để là xây dựng trung tâm thương mại. Nói chung là ở khu vực đó, hai phía đều sai hết, dân thì họ muốn giữ đất nền đòi giá cao. Còn chủ đầu tư thì đã làm hết phần thương mại, phần còn lại xây dựng trung tâm thương mại chủ yếu phục vụ công cộng, lợi nhuận không cao nên họ không thiết tha triển khai.
Tôi lấy ví dụ, nếu dân đòi 3 triệu đồng/m2 thì mình ngồi lại thương lượng trả giá khoảng 1 triệu/m2 xem ý dân thế nào, nhưng đằng này họ chưa mặn mà đến mức đó”.