Cà Mau dành hơn 500 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp

Theo kế hoạch vừa được phê duyệt, Cà Mau dự kiến sẽ dành nguồn kinh phí hơn 560 tỷ đồng để phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030.

Nhờ được tập huấn, truyền nghề, nông dân vùng tôm-lúa Cà Mau biết áp dụng nuôi tôm theo quy trình hữu cơ đạt chuẩn quốc tế.

Nhờ được tập huấn, truyền nghề, nông dân vùng tôm-lúa Cà Mau biết áp dụng nuôi tôm theo quy trình hữu cơ đạt chuẩn quốc tế.

Chiều 25/9, theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt kế hoạch “Phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, kinh phí phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau dự kiến vào khoảng 565 tỷ đồng, gồm: nguồn vốn ngân sách, vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay ưu đãi và các nguồn khác.

Theo kế hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Cà Mau sẽ đào tạo, bồi dưỡng nghề bình quân hằng năm cho 28.000 người, trong đó, đào tạo nghề có trình độ sơ cấp trở lên 12.000 người. Phấn đấu thu hút khoảng 40-45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp...

Một trong nhiều chỉ tiêu quan trọng khác được đưa ra là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 30%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.

Cà Mau cũng phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại; 100% trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, có 1 trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao; tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 50% so với tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2045, Cà Mau đặt mục tiêu lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực, bắt kịp trình độ của các nước trong khối ASEAN.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Cà Mau tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Rà soát, sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng nâng cao năng lực phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, thực hiện tốt việc kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa Nhà nước với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa về lợi ích và trách nhiệm xã hội.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ca-mau-danh-hon-500-ty-dong-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-post833128.html