Cà Mau: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho thủy sản

Cà Mau có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng và chế biển thủy hải sản. Trong đó, sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm. Ngoài tôm, cua cũng là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh bởi độ ngon nức tiếng. Thời gian qua tỉnh đã rất nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, mở ra những cơ hội hợp tác và phát triển mạnh mẽ cho các mặt hàng này.

 Xuất khẩu Thủy sản đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau

Xuất khẩu Thủy sản đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Mới đây nhất, ngày 15/11, Bộ Công thương phối hợp UBND Cà Mau tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của các Tham tán thương mại, doanh nghiệp nhập khẩu đến từ Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, cùng các chuỗi siêu thị lớn trong nước, các công ty xuất nhập khẩu, các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản…Đây chính là điều kiện rất tốt để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp gỡ đối tác, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.

Trước đó, ngày 14/11, các đại biểu tham dự Hội nghị đã được tỉnh Cà Mau mời đi khảo sát, tham quan thực tế về tình hình hoạt động của một số nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.Trong chuyến khảo sát này, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước: Nhật Bản, Singapore, Ấn độ, Trung Quốc… đánh giá cao lợi thế, tiềm năng các sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau.

Ngay tại hội nghị đã có rất nhiều ký kết hợp tác. Như Saigon Co.op đã chuyển hồ sơ ký kết hợp tác với HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh Năm Căn, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hùng Khánh, HTX Tài Thịnh Phát Farm, Hộ kinh doanh Mỹ Phượng, HTX Bồn bồn Minh Duy.

Kingfood Mart thì quan tâm đến các sản phẩm tôm, cua và gạo sinh thái, tiến tới sẽ hợp tác với Công ty TNHH Dư Thái Bình, HTX Đoàn Phát, Công ty TNHH XNK Thủy sản AB. Bách Hóa Xanh đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Minh Phú, hiện đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đưa hàng lên kệ đối với các sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hùng Khánh, HTX Bồn bồn Minh Duy.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu đến từ Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc cũng thể hiện nhiều sự quan tâm đếnnhững sản phẩm của tỉnh Cà Mau. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng. Cùng với tiềm năng, những nỗ lực trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua, đã mở ra những cơ hội hợp tác và phát triển mạnh mẽ, giúp quảng bá thương hiệu những sản phẩm nông, thủy sản .có thể mạnh của tỉnh Cà Mau.

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, hội nghị không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu, môi trường đầu tư tỉnh Cà Mau, mà còn là tiền đề để thúc đẩy giao thương, kết nối và thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài. Qua đó, củng cố và mở rộng chuỗi cung ứng hiện tại, xây dựng các chuỗi cung ứng mới theo hướng bền vững hơn, góp phần đưa các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau - Nguyễn Chí Thiện, Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với diện tích trên 70.000 km2, có 280.000 ha nuôi trồng thủy sản, với sản lượng tôm hằng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thủy sản, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm. So sánh với các cường quốc xuất khẩu tôm khác, Cà Mau có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm này giúp cho tỉnh nhiều năm giữ vững thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc, Hàn Quốc…

“Tôm Cà Mau không chỉ nổi bật nhờ vào sản lượng lớn mà còn bởi chất lượng vượt trội, được phát triển theo nhiều mô hình nuôi sinh thái, đạt nhiều chứng nhận quốc tế. Ngoài tôm, cua Cà Mau cũng là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nổi bật. Nhờ vào đặc trưng về thổ nhưỡng và nguồn nước sạch, nuôi xen canh dưới tán rừng nên cua Cà Mau có hương vị tươi ngon, giàu chất dinh dưỡng, được thị trường quốc tế và trong nước ưa chuộng” – ông Nguyễn Chí Thiện thông tin đồng thời cho biế thêm, cua Cà Mau hiện đã được xuất khẩu sang các quốc gia trên thế giới.

Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao; các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hóa và bao bì, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp là nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước hỗ trợ kết nối, tư vấn để doanh nghiệp Cà Mau tiếp tục hoàn thiện sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng cũng như nhu cầu và thị hiếu của thị trường; hỗ trợ phương thức mua bán, các điều kiện bảo đảm trong quá trình hợp tác kinh doanh…, để các sản phẩm nông, thủy sản Cà Mau có thêm nhiều đầu ra ổn định.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, cho biết, thời gian tới Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và các doanh nghiệp của Cà Mau trong công tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu của Việt Nam.

Từ những nguồn lực, tiềm năng đã có, nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững giai đoạn 2026-2029, tỉnh Cà Mau vừa có quyết định đầu tư Dự án phát triển thủy sản bền vững với quy mô 100 ha, dự kiến triển khai tại 4 huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân và Ngọc Hiển. Tổng mức đầu tư dự án là 536 tỷ đồng. Việc đầu tư dự án này nhằm thực hiện mục tiêu chung phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất.

Cà Mau được biết đến với thương hiệu Cua Năm Căn nổi tiếng, đây là giống cua ngon nhất ở Cà Mau. Năm 2023, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Ðề án phát triển bền vững nghề nuôi cua Cà Mau đến năm 2030. Với diện tích trên 250.000ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm, sản lượng khoảng 25 nghìn tấn/năm.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ca-mau-day-manh-xuc-tien-thuong-mai-mo-rong-thi-truong-cho-thuy-san-10294896.html