Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Vùng đất “địa lợi”

Ðọc sách “Cà Mau xưa và An Xuyên nay” đã xuất bản cách đây hơn 50 năm, khi nói về phần thương mãi, tác giả Nghê Văn Lương đã có những mô tả khá cụ thể. Sản phẩm chủ lực của Cà Mau được đề cập đến là lúa, cá biển, cá khô, bong bóng cá đường và một số sản vật, nông sản vùng biển, vùng rừng cũng được liệt kê tới. Phạm vi tiêu thụ của các sản phẩm của Cà Mau đã vươn tới khắp Nam Kỳ và Sài Gòn. Ðáng chú ý, tác giả Nghê Văn Lương đã mạnh dạn đưa ra nhận định: “Sự phồn thịnh này còn hứa hẹn một tương lai huy hoàng hơn”.

Và điều đó đã trở thành hiện thực. Cà Mau hiện nay đã có được một diện mạo phát triển nhanh, mạnh, tràn đầy khí thế và là miền đất hứa hẹn cho những bứt phá ngoạn mục của tương lai. Cà Mau có được địa lợi với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đặt trong vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và của cả nước với tư cách là 1 trong 4 cực tăng trưởng trọng điểm toàn vùng.

Tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Ðông Nam Á; là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, đây là điểm đặc biệt riêng, là thương hiệu của Cà Mau.

Cầu Rạch Tàu xuôi về Ðất Mũi nhìn từ trên cao. Ảnh: NHẬT MINH

Cầu Rạch Tàu xuôi về Ðất Mũi nhìn từ trên cao. Ảnh: NHẬT MINH

Lâu nay, nhiều người vẫn quen với câu “nghe nói Cà Mau xa lắm”, nó vượt thoát ra khỏi ý tứ của lời bài hát, trở thành một mặc định Cà Mau quá xa xôi, ở tận cùng đất nước. Thế nhưng, Cà Mau bây giờ gần lắm, và sẽ ngày càng gần hơn, kết nối với cả nước bằng những huyết mạch giao thông hiện đại đã hiện hữu và sắp hoàn thành. Những huyết mạch giao thông lớn sẽ mở con đường lớn cho Cà Mau đi thêm nhanh, thêm vững trong hành trình phát triển.

Cà Mau không “đứng mình ên một hướng” mà đẩy mạnh liên kết chặt chẽ với 3 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (cùng với Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang), đặc biệt là với đầu tàu kinh tế cả nước là TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước để phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. Mục tiêu của Cà Mau là sớm trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước.

“Thiên thời, nhân hòa” đã mở

Cuối năm 2023, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðây là sự kiện vô cùng quan trọng, tạo điều kiện để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và toàn thể Nhân dân nắm được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, từ đó thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp tỉnh Cà Mau cất cánh, trở thành một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và xứng tầm là vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc.

Nhận diện rõ “những nút thắt” chưa được tháo gỡ và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương, Cà Mau đang tập trung đẩy mạnh việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Cà Mau với tinh thần lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, Nhà nước và Nhân dân.

Trong các khâu đột phá chiến lược, Cà Mau tập trung tháo gỡ “vướng mắc, điểm nghẽn” về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bởi “đường lớn phát triển lớn”. Tỉnh Cà Mau nghiêm túc và quyết liệt thực hiện các công việc mà đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm và đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi về thăm, làm việc tại Cà Mau đã có những chỉ đạo sâu sát. Ðó là tập trung dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Cà Mau. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ trung tâm tỉnh đến Ðất Mũi. Hình thành, xây dựng tuyến cao tốc từ TP Cà Mau đến Ðất Mũi. Ðẩy nhanh quy hoạch, đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Hòn Khoai và làm tuyến đường kết nối từ đất liền ra Cảng Hòn Khoai, định hướng phát triển “lục địa cực Nam” đến đảo Hòn Khoai.

Cùng với đó là các dự án ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo vệ cuộc sống, lao động sản xuất của người dân, vừa phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Ðẩy mạnh các đề án, chương trình để Cà Mau trở thành địa phương sản xuất và xuất khẩu các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh gắn với mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững, phát triển xanh trong tương lai.

Theo đó, các công trình, dự án nêu trên hoàn thành sẽ mở ra cơ hội, động lực mới cho tỉnh Cà Mau bứt phá phát triển trong quá trình đổi mới, hội nhập sâu rộng.

Một trong những ưu tiên lớn của Cà Mau là tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về biển, phấn đấu đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển. Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản với quy mô lớn...

Cà Mau bằng sự quyết tâm lớn sẽ tập trung khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng ngập ngọt. Con người Cà Mau với tư duy đổi mới để cùng nhau chung sức, đồng lòng để bảo vệ, kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho quê hương.

Mọi thành tựu phát triển phải hướng đến phục vụ Nhân dân, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong đó, Cà Mau xác định quan điểm lấy giá trị văn hóa, con người Cà Mau làm nền tảng, động lực phát triển, có vai trò quan trọng ngang hàng như các lĩnh vực khác. Tập trung gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, con người Cà Mau trở thành nguồn lực, tài nguyên quan trọng, tương xứng với xu thế phát triển của tỉnh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành “nơi cần đến và nơi đáng sống” với tất cả mọi người.

Ðồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, trong phát biểu tại buổi lễ phát động phong trào thi đua “Phấn đấu tăng trưởng GRDP tỉnh Cà Mau năm 2025 đạt 8% trở lên” đã nhấn mạnh rằng: “Tỉnh Cà Mau có nhiều lợi thế để phát triển, cần khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội để góp phần thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Cà Mau nhanh, mạnh, bền vững trong ngắn hạn và cả lâu dài. Tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm và trách nhiệm, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, biến những mục tiêu thành kết quả cụ thể. Từng hành động, từng công việc chúng ta làm hôm nay sẽ góp phần xây dựng quê hương Cà Mau phát triển bền vững, thịnh vượng”.

Mỗi một hạt phù sa của xứ sở này đều nguyện hiến dâng cho hành trình mở đất, lấn rừng, cho đất nước mình thêm mỗi ngày mỗi lớn. Và mỗi con người Cà Mau mang trong mình một niềm tự hào vô bờ bến, một sức mạnh lớn lao, một niềm tin son sắt, để ngày hôm qua, ngày hôm nay và cả những bờ bến tương lai ngời sáng kết tinh, hiện hữu trong từng ước vọng, nghĩ suy, hành động, để Cà Mau, vùng đất thiêng liêng ở địa đầu cực Nam Tổ quốc, mãi mãi là niềm thương, nỗi nhớ, đầy đủ sức vóc, trọn vẹn tin yêu tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

Phạm Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ca-mau-dia-dau-cuc-nam-thieng-lieng-cua-to-quoc-bai-cuoi-bung-sang-vung-dat-dia-dau-cuc-nam-to--a38731.html