Cà Mau khởi động dự án chống sạt lở, hoàn thiện đê biển Tây

Liên minh châu Âu và Pháp vừa cam kết gói hỗ trợ hơn 32 triệu Euro giúp hoàn thiện các hạ tầng thiết yếu ứng phó với sạt lở ven tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Một khu vực kè ven biển Đông thuộc xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) giúp bảo vệ, ứng phó với biến đổi khí hậu

Một khu vực kè ven biển Đông thuộc xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) giúp bảo vệ, ứng phó với biến đổi khí hậu

Chiều 8/12, sau khi cùng các bên liên quan đi khảo sát thực tế, UBND tỉnh Cà Mau đã thông tin kết quả làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với Đoàn công tác của Đại sứ quán Pháp, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) về ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương.

Theo đó, các bên thống nhất khởi động Dự án “Xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển Sông Đốc đến cửa biển Bảy Háp, tỉnh Cà Mau”.

Dự án nêu trên dự kiến sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2028 với tổng kinh phí hơn 32 triệu Euro. Trong đó, hơn 19 triệu Euro vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), hơn 3,7 triệu Euro viện trợ không hoàn lại từ EU và gần 9 triệu Euro vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Cà Mau.

Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp gồm nhiều hợp phần và hạng mục khác nhau.

Trong đó có việc xây dựng 11km kè chắn sóng, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, phục hồi 2.000ha rừng ngập mặn ven biển và cửa sông; nâng cao độ an toàn của hệ thống đê biển cũng như bảo vệ 15.000ha đất nội đồng tại các huyện Phú Tân và Trần Văn Thời trước tác động bất lợi đến từ thiên nhiên.

Cùng với đó, dự án cũng sẽ triển khai xây dựng 19km đê biển Tây và tạo tuyến giao thông ven biển nối thị trấn Cái Đôi Vàm với kênh Năm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ trong khu vực.

Trong khuôn khổ của dự án còn xây dựng chiến lược quản lý tích hợp vùng bờ biển và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế tại 5 xã ven biển huyện Phú Tân và Trần Văn Thời; đa dạng hóa hoạt động sinh kế, tăng thu nhập cho cộng đồng, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản gần bờ, góp phần bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của EU và chính phủ Pháp thông qua AFD trong việc triển khai các dự án quan trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng.

Việc triển khai dự án AFD sẽ giúp tỉnh Cà Mau xây dựng chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ biển Cà Mau, góp phần hoàn thiện chương trình quản lý tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long do Chính phủ triển khai, thúc đẩy phát triển bền vững cho toàn khu vực.

Bờ biển Cà Mau dài khoảng 254km, trong đó phía bờ biển Tây khoảng 108km đã đầu tư đê biển nhưng chưa hoàn thiện. Hơn 10 năm qua (từ năm 2011 đến 2023), trước tác động của các hình thái cực đoan từ biến đổi khí hậu, Cà Mau đã bị mất khoảng 6.200ha đất và rừng phòng hộ ven biển vì sạt lở.

Sạt lở còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng, đường giao thông, bờ bao vuông tôm, đe dọa nhiều khu dân cư và khiến hàng nghìn hộ dân vùng ven biển phải di dời do nhà cửa bị sập…

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và được sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, thời gian qua, Cà Mau đã triển khai xây dựng được 78km kè bảo vệ vùng ven biển với tổng kinh phí gần 2.780 tỷ đồng.

Cà Mau cũng đang phối hợp thực hiện thêm 25km kè ven biển Đông và biển Tây với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Các công trình kè đã đầu tư hoàn thiện tại Cà Mau bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp giảm sóng, chống sạt lở, bồi đắp bãi và phục hồi gần 1.000ha rừng phòng hộ ven biển...

Theo HỮU TÙNG (NDO)

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/trong-nuoc/ca-mau-khoi-dong-du-an-chong-sat-lo-hoan-thien-de-bien-tay-127655.aspx