Thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường tại dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) có điều kiện đặc thù là vùng đất yếu, nguồn vật liệu sử dụng đắp nền cho các dự án giao thông là cát sông. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hệ thống đập thủy điện tại thượng nguồn từ nhiều năm trở lại đây đã khiến việc bồi lắng phù sa tại khu vực BĐSCL giảm đáng kể và có xu hướng ngày càng khan hiếm. Vì vậy, lựa chọn nguồn cát biển thay thế cát sông đang được nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Lựa chọn khu vực thí điểm
Để bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khu vực BĐSCL giai đoạn 2021 - 2025, những năm qua, rất nhiều dự án giao thông đã đồng loạt triển khai, kéo theo nhu cầu cát đắp rất lớn để phục vụ thi công dự án; chưa kể nhu cầu cát cho các dự án của địa phương. Trong khi đó, việc triển khai đồng loạt các dự án vào cùng thời điểm cũng dẫn đến công suất khai thác cát sông không đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng đã phối hợp với hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai thi công thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường với chiều dài 300m trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau. Vật liệu cát biển được khai thác tại khu vực mỏ cát thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Công tác tổ chức thí điểm đầu tháng 4/2023, hoàn thành thi công và đưa vào khai thác từ 8/2023.
Theo kết quả nghiên cứu được đánh giá vào tháng 12/2023 cho thấy, cát biển hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu để đắp nền đường và sau 8 tháng triển khai thi công (tháng 4/2023 đến tháng 12/2023) chưa có bằng chứng cho thấy có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp hai bên đoạn thí điểm này. Đến nay, hai bên tuyến người dân đang canh tác nuôi tôm và trồng 1 vụ lúa vào mùa mưa bình thường.
Kế thừa kết quả đạt được, Bộ Giao vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, lựa chọn đoạn thi công thí điểm mở rộng nhằm đủ cơ sở đánh giá toàn diện việc sử dụng cát biển đắp nền đường cao tốc. Khu vực được lựa chọn triển khai thí điểm mở rộng là Km81 - Km126+223 (đi qua địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) và đoạn tuyến nối từ Km 6+522 (nút giao đường Võ Văn Kiệt) đến Km16+510 (Nút giao với QL1). Đây là khu vực có môi trường đã nhiễm mặn tương tự và cao hơn đoạn thí điểm tại ĐT. 978 Bạc Liêu và cũng phù hợp với kết quả dự báo xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp tục theo dõi để có đánh giá đầy đủ, toàn diện về công tác thí điểm
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, thực hiện chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải về giải quyết nhu cầu cấp bách vật liệu cát đắp nền đường nhằm đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2025, Ban đã phối hợp với nhà thầu thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định. Đến ngày 3/7/2024, đã khai thác được tàu cát biển đầu tiên và sau gần 5 tháng thi công thí điểm mở rộng, nguồn cát biển hoàn toàn đáp ứng yêu cầu vật liệu; góp phần rất lớn đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.
Bên cạnh việc kiểm soát chất lượng thi công công trình, Ban đã rất chú trọng đến môi trường xung quanh khi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Các đơn vị liên quan của dự án đã phối hợp với địa phương tiến hành lấy mẫu đo kiểm soát chặt chẽ độ mặn của từng tàu cát về đến công trường.
Ngoài ra, Ban phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải thực hiện công tác quan trắc đánh giá tác động môi trường khi thi công thí điểm cát biển cho dự án, làm cơ sở kiểm soát đánh giá mức độ tác động tới môi trường và nông nghiệp trong giai đoạn thi công đến hết giai đoạn bảo hành cho những đoạn thử nghiệm, báo cáo kết quả với Bộ Giao thông vận tải làm cơ sở đánh giá toàn diện việc sử dụng cát biển đắp nền đường.
Đến nay, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải đã thực hiện đo hiện trường và có báo cáo kết quả 5 đợt. Kết quả quan trắc cho thấy đến hiện tại chưa có dấu hiệu ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng của người dân hai bên tuyến. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ tiếp tục theo dõi để có đánh giá đầy đủ, toàn diện về công tác thí điểm để kịp thời có giải pháp thích hợp và báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kết quả thí điểm vào cuối năm 2025.