Cà Mau khôi phục vườn chim nổi tiếng bị 'lãng quên'

Thiếu sự quan tâm đúng mức, nên nhiều năm nay vườn chim Chà Là (Cà Mau) dần hoang hóa, ít chim về trú ngụ.

Ngày 22/6, theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo về quản lý, khai thác sử dụng khu đất vườn chim Chà Là (ấp Tân Phong, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước).

Vườn chim Chà Là (Cà Mau) dần trở nên hoang hóa.

Vườn chim Chà Là (Cà Mau) dần trở nên hoang hóa.

Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, các đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, như: Việc thống kê, kiểm kê đất đai, rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng.

Cùng với đó, thực hiện hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng (trong đó, có việc xây dựng trụ sở UBND xã Đông Hưng); việc chấm dứt thực hiện dự án đầu tư khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Chà Là; hiện trạng sử dụng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương...

Theo báo cáo của UBND huyện Cái Nước, khu đất vườn chim do ông Cao Triều Phát (1889-1956) quê tỉnh Bạc Liêu, nguyên cố vấn Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ bàn giao đất cho Nhà nước (hiến đất) vào năm 1954.

Đến năm 2005, khu đất vườn chim được giao cho xã Đông Hưng quản lý cho đến nay (chưa được cấp thẩm quyền giao đất để quản lý, sử dụng theo quy định).

Theo bản đồ địa chính thành lập năm 2017, khu đất có diện tích 153.837,2m2, loại đất là rừng phòng hộ. Ở đây, dấu vết bàn tay con người chỉ là con đường bê tông bao quanh khu vườn.

Vườn chim được hình thành trong điều kiện tự nhiên từ thời Pháp thuộc. Tháng 8/1986, cùng với vườn chim Bạc Liêu, vườn chim Đầm Dơi… vườn chim Chà Là được ghi trong danh sách các khu rừng đặc dụng theo quyết định số 194/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Vườn chim Chà Là nhìn từ trên cao.

Vườn chim Chà Là nhìn từ trên cao.

Năm 1999, tỉnh Cà Mau phê duyệt dự án đầu tư Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Chà Là. Tuy nhiên, do công tác đầu tư, quản lý chưa tốt cùng với sự tác động của điều kiện tự nhiên và xã hội, nên trong thời gian dài khu vườn chim này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo chia sẻ của ông Huỳnh Hạnh Phúc (ngụ ấp Tân Phong, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước), vườn chim có hơn 50 chủng loại thực vật, trong đó đặc trưng nhất là cây Chà Là, gừa, sộp… Hiện tại, vườn chim còn rất ít chim trú ngụ.

Còn theo ông Trần Ngọc Đảm, Chủ tịch UBND xã Đông Hưng, vườn chim Chà Là có loại cây chà là có nguồn gen rất quý hiếm, chưa được khai thác hiệu quả.

"Chính quyền địa phương mong muốn các cấp thẩm quyền có kế hoạch sử dụng phần đất vườn chim thành điểm tham quan, du lịch sinh thái lý tưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Đảm chia sẻ.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ca-mau-khoi-phuc-vuon-chim-noi-tieng-bi-lang-quen-192240622135746289.htm