Cà Mau: Kiểm tra, khắc phục tình trạng cua chết
Hiện nay, một số nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra hiện tượng cua nuôi bị chết, làm ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân.
Ngày 26/3, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu; UBND các huyện, thành phố Cà Mau kiểm tra, khắc phục tình trạng cua chết trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ; Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu; UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến cua nuôi bị chết, nhất là tại huyện Đầm Dơi, Năm Căn.
Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, để người dân biết, chủ động thực hiện, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Đồng thời, rà soát, triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng quy định (nếu đủ điều kiện).
UBND các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý.
Kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Trong đó, có cua nuôi để hạn chế thiệt hại.
Sở Khoa học và Công nghệ rà soát tình hình nghiên cứu, triển khai thực hiện đề tài, giải pháp khắc phục cua nuôi bị chết và các đề xuất có liên quan, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 3 năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, hơn 2.000 ha cua nuôi của hơn 500 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị chết do chịu ảnh hưởng của nắng nóng.
Cua nuôi chết tập trung nhiều ở huyện Đầm Dơi với diện tích hơn 1.200ha, huyện Năm Căn có diện tích cua nuôi bị chết hơn 600ha. Đa phần cua chết đều bị đen mang, màu nhợt, bọng thịt, cơ thịt nhão có màu hồng, có nhiều giáp xác trong thân cua.
Theo kết luận của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, nguyên nhân xảy ra tình trạng của chết hàng loạt là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua làm cho tỷ lệ cua nhiễm bệnh trên 93%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/1 mẫu cua.
Ngoài ra, còn có một loại vi khuẩn là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong môi trường nước nuôi và cả cơ, gan cua với mật độ khá cao.
Đây cũng chính là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường. Qua giải phẫu cua nuôi bị chết thường có biểu hiện đen mang từ mức độ nhẹ đến nặng, cơ thịt nhão, một số cơ chuyển sang màu hồng nhạt.
Bên cạnh đó, thời điểm này nắng nóng gay gắt kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao, ảnh hưởng lớn đến môi trường, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân nuôi tôm cua cần theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, dịch bệnh để phối hợp với các cơ quan chuyên môn nhằm kịp thời xử lý khắc phục giảm thiệt hại trong thời gian tới vì hiện nay chưa có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.
Theo kết quả phân tích, xét nghiệm của Viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, về tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng giáp xác chân tơ trên cua thì nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đối với bệnh này.