Cà Mau kỳ vọng phát triển vượt bậc sau sáp nhập

Cà Mau và Bạc Liêu, hai tỉnh với nhiều điểm tương đồng và tiềm năng lớn về thủy sản, năng lượng tái tạo, và du lịch, chính thức sáp nhập, tạo nên một 'Cà Mau mới' đầy hứa hẹn. Người dân địa phương không giấu nổi niềm vui và kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc trong tương lai.

Quyết định sắp xếp lại tỉnh, xã và giải thể cấp huyện tại Cà Mau vừa được công bố, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng. Việc loại bỏ cấp trung gian và tinh gọn bộ máy hành chính được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu sáp nhập sẽ đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi

Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu sáp nhập sẽ đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi

Ông Đỗ Văn Nghiệp, người dân phường Lý Văn Lâm, tỉnh Cà Mau, phấn khởi chia sẻ: "Địa phương giờ chỉ còn 2 cấp thôi. Bộ máy được tinh giảm rất nhiều, nội vấn đề này thôi đã thấy hiệu quả rất lớn. Trong tương lai khi ổn định thì bộ máy chắc chắn sẽ thật sự tinh và gọn, cũng là động lực để địa phương phát triển. Hồi xưa có chủ trương, nghị quyết phải xuống huyện, rồi huyện mới đưa xuống xã. Bây giờ xã quyết định luôn thì cái này gọi là gần dân, sát dân, khỏi quan trung gian. Chỉ những điều này thôi thấy phấn khởi rất nhiều rồi, cảm thấy hiệu quả hơn trước nhiều".

Ông Tạ Hoàng Nguyên, người dân phường Tân Thành, tỉnh Cà Mau cũng bày tỏ sự tin tưởng: "Cà Mau và Bạc Liêu có thời kỳ là tỉnh Minh Hải thì khi gép lại thấy rất hợp lý như là về chung một nhà. Con người Cà Mau và Bạc Liêu thật sự là chung quê hương, chung xứ sở từ thời kháng chiến. Tôi thấy trung tâm hình chính đặt tại cà Mau cũng rất phù hợp, về đường đi của người dân càng hợp lý hơn, bởi vị trí hành chính hiện tại là trung tâm của tỉnh Cà Mau mới, tôi đồng tình cao".

Tỉnh Cà Mau mới cũng có tiềm năng phát triển điện gió

Tỉnh Cà Mau mới cũng có tiềm năng phát triển điện gió

Tỉnh Cà Mau mới có diện tích tự nhiên hơn 7.940 km2 và quy mô dân số khoảng 2,14 triệu người. Trước đây, Cà Mau cũ nổi bật về nuôi tôm sinh thái với các mô hình tôm - rừng, tôm - lúa; còn tỉnh Bạc Liêu phát triển mạnh hơn về nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Khi hai tỉnh hợp nhất, có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 450.000 ha và hiển nhiên trở thành “thủ phủ tôm” của cả nước.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Tài chính Cà Mau đánh giá, khi Cà Mau và Bạc Liêu hợp nhất, điều thấy rõ là kiến tạo lên một không gian phát triển rộng lớn, hài hòa. Không chỉ lĩnh vực thủy sản hứa hẹn phát triển mạnh mà còn đó các tiềm năng khác để phát triển thành một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

"Cà Mau và Bạc Liêu có 3 lợi thế chủ yếu, tương đồng nhau. Đầu tiên là về lĩnh vực thủy sản, thứ 2 là tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đang xây dựng đề án xuất khẩu điện, khi hoàn thành cũng mở ra cơ hội rất lớn. Hai tỉnh cũng có thế mạnh như nhau là về phát triển du lịch, khi hai tỉnh sáp nhập thì cơ hội phát triển lĩnh vực du lịch sẽ rất lớn", ông Thánh cho biết thêm.

Những tiềm năng, lợi thế được tạo ra từ công cuộc sắp xếp bộ máy để phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, không phải không có khó khăn. Điều dễ dự báo nhất công cuộc tinh giảm, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy địa phương 2 cấp mới đi vào vận hành.

Ông Phạm Thành Ngại được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sau sáp nhập

Ông Phạm Thành Ngại được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sau sáp nhập

Trao đổi với chúng tôi về công tác cán bộ, ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh việc sẽ quan tâm sắp xếp cán bộ có trình độ khoa học công nghệ tốt để hướng tới phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử: "Thực hiện chủ trương sắp xếp, hợp nhất tỉnh quan tâm việc tiến hành rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ; trong chỉ thị của Trung ương về Đại hội Đảng các cấp cũng yêu cầu có tỷ lệ cán bộ tri thức trong Ban chấp hành các cấp. Chúng tôi giới thiệu những đồng chí là trí thức ứng cử, tham gia vào cấp ủy các cấp để triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ. Ngoài ra, cũng rà soát lại đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh để bố trí phù hợp với từng xã để cấp xã đủ mạnh, giải quyết được tất cả các công việc theo phân cấp quản lý, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân trong giai đoạn mới".

Sau sắp xếp, tỉnh Cà Mau có 64 đơn vị cấp xã. Các cấp xã mới, với quy mô lớn hơn nhiều lần, chắc chắn sẽ đối mặt với những khó khăn bước đầu trong quá trình hoạt động. Các cấp, ngành, và đơn vị của tỉnh Cà Mau cần nỗ lực tháo gỡ những khó khăn này để bộ máy đảm bảo hoạt động thông suốt, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Mới đây, ông Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, đã chỉ đạo đầy quyết tâm: "Không được để xảy ra tình trạng không có chính quyền phục vụ nhân dân".

Trần Hiếu-VOV/ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ca-mau-ky-vong-phat-trien-vuot-bac-sau-sap-nhap-post1211245.vov