Cà Mau mong muốn được Bộ Ngoại giao hỗ trợ về công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế
Đây là đề nghị của đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do đồng chí Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ làm trưởng đoàn vào chiều 7/10.
Đồng chủ trì tiếp đón và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo nhanh với đoàn công tác Bộ Ngoại giao về kết quả triển khai công tác đối ngoại 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Cà Mau nêu những công việc làm được, những thuận lợi, khó khăn và các kiến nghị đề xuất. Theo đó, địa phương đã ký kết 15 thỏa thuận hợp tác cấp tỉnh và cấp sở, ngành, có quan hệ thương mại với hơn 70 nước trên thế giới về lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, đào tạo nhân lực, lao động thời vụ. Nội dung thỏa thuận hợp tác thiết thực, góp phần mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao thông tin: “Đoàn công tác được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cam kết sẽ hỗ trợ, đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất theo đúng cơ chế hiện hành để cùng với tỉnh Cà Mau tập trung tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế gắn với sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương”.
Trưởng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao đồng thời trình bày các nội dung, yêu cầu, cũng như gợi mở các giải pháp, cách làm để tỉnh Cà Mau có thể tiếp cận thông tin, thực hiện tốt hơn các mặt công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế. “Công tác đối ngoại trong xu thế hội nhập toàn cầu phải tập trung vào các nền tảng trụ cột đã được Đảng, Nhà nước ta nêu rõ: Đối ngoại chính trị; đối ngoại kinh tế; đối ngoại văn hóa gắn với vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng ta, bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia dân tộc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”, ông Nguyễn Như Hiếu nhấn mạnh.
Đánh giá cao tinh thần cầu thị, những tiềm năng lớn của đất và người Cà Mau, ông Nguyễn Như Hiếu cho rằng, tỉnh Cà Mau phải mạnh dạn đề xuất, chủ động, quyết liệt trong hành động để công tác đối ngoại, nhất là ưu tiên cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để tạo ra thế và lực mới cho địa phương trong quá trình phát triển.
Phó bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Đức Hiển kiến nghị với đoàn công tác những vấn đề mà Cà Mau cần sự hỗ trợ, đồng hành từ Bộ Ngoại giao: “Địa phương mong muốn Bộ Ngoại giao giúp đỡ để hình thành diễn đàn là nơi Cà Mau định kỳ gặp gỡ với các đối tác chiến lược tiềm năng, trong đó ưu tiên các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như năng lượng tái tạo; cảng biển; tín chỉ carbon; thủy hải sản; chế biến sâu nông sản để xúc tiến, kết nối và thu hút đầu tư. Trước mắt, tỉnh mong nhận được sự hỗ trợ để tổ chức hội thảo gặp gỡ với các nhà đầu tư, các hoạt động ngoại giao đoàn gắn với chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc, để có cơ hội quảng bá, giới thiệu địa phương cũng như mở ra các cơ hội hợp tác. Địa phương cũng rất cần cơ hội tiếp cận các thông tin về chương trình, dự án, các nhà đầu tư để giúp cho tỉnh có nhiều sự quan tâm và nguồn lực đầu tư phát triển”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cũng nêu các nội dung kiến nghị với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao về đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong đó, hỗ trợ tỉnh kết nối, hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Trước tiên, Bộ Ngoại giao xem xét, hỗ trợ tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ, làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Cà Mau với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; địa điểm tổ chức tại TP Hồ Chí Minh hoặc thành phố Hà Nội trong thời gian phù hợp.
Quan tâm, tạo điều kiện, giới thiệu cho tỉnh Cà Mau tiếp xúc với các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để vận động tài trợ cho các chương trình, dự án của tỉnh Cà Mau; ưu tiên điều phối, bố trí các dự án phi chính phủ nước ngoài để địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình, dự án chống biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao...
Chỉ đạo các cơ quan đại diện, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở ngoài nước hỗ trợ truyền thông, giới thiệu, quảng bá về tỉnh Cà Mau.
Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao quan tâm, hỗ trợ tỉnh Cà Mau giới thiệu, kết nối tỉnh với một số tỉnh của Hàn Quốc và Nhật Bản để tăng cường xuất khẩu lao động trong thời gian tới.
Phối hợp, hỗ trợ tỉnh mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại; triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế; kỹ năng vận động, quản lý và thực hiện dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đối ngoại.
Trên cơ sở nội dung của cuộc làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho biết: "Tỉnh sẽ có thông báo bằng văn bản kết quả cuộc làm việc và các nội dung kiến nghị cụ thể để gởi đến Bộ Ngoại giao".