Cà Mau: Nghề làm tôm khô - Dấu ấn tiền nhân nơi vùng đất hào sảng
Kinhtedothi – Trong rất nhiều sản vật đặc trưng của vùng đất cuối trời Nam, tôm khô với nghề làm ra nó vị trí rất đặc biệt, bởi tuổi đời đã hơn trăm năm in đậm dấu chân của tiền nhân mở đất.
Ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ trình Bộ VHTT&DL để công nhận Nghề làm tôm khô Cà Mau là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sản vật độc đáo của xứ Cà Mau hào sảng
Tôm khô Cà Mau mang một hương vị riêng khác lạ, được hòa trộn từ vị ngọt của đất, vị mặn của biển, hình thành dưới ánh nắng tự nhiên của trời. Nếm thử, sẽ thấy trong đó còn có cái tình của người Cà Mau hào sảng dễ thương.
Tôm khô phổ biến trong các bữa ăn gia đình Việt, bởi hương vị đặc trưng, dễ chế biến được nhiều món ăn, thậm chí có thể ăn ngay mà không cần phải nấu lại hay chế biến cầu kỳ. Sở dĩ tôm khô Cà Mau được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi con tôm Cà Mau sinh trưởng trong môi trường sinh thái đặc thù, phù sa màu mỡ nên thịt chắc và ngọt, có màu đỏ tự nhiên.
Vùng Cà Mau sông nước, bờ biển dài, nên có rất nhiều loại tôm để làm món tôm khô: Tôm sú sông, tôm sú biển, tôm thẻ, tôm bạc, tôm đất, tôm thẻ chân trắng…. Nhưng tôm để làm món tôm khô ngon nhất phải là tôm đất. Thời điểm cận tết, 1 kg tôm khô làm từ tôm đất loại ngon nhất có thể 1.500.000 đến 1.700.000 đồng/kg. Tôm đất là sản vật tự nhiên của vùng đất nước lợ, không thể nhân giống và nuôi được, nên sản lượng tôm khô luôn tùy thuộc vào thiên nhiên. Bởi vậy, người Cà Mau khi đãi khách quý là phải chọn loại tôm khô này.
Mặc dù giá “chát” nhưng giới sành ăn trong ngoài nước cũng thường chọn loại tôm khô từ tôm đất, bởi nó rất ngọt và mềm, thơm và dai hơn bất kỳ loại tôm nào khác làm tôm khô.
Trăm năm dấu ấn làng nghề
Nghề đánh bắt tôm đã hình thành ở Cà Mau qua hàng trăm năm, từ khi những lưu dân đầu tiên tìm đến vùng đất này khai hoang, mở cõi, dựng làng, lập ấp. Trong đời sống dân gian Cà Mau từ xưa đã hình thành câu ca dao:
“Cha chài, mẹ lưới, con câu
Chàng rễ đóng đáy, con dâu ngồi nò”
Theo thời gian, nghề làm tôm khô được cư dân Cà Mau duy trì và phát triển từ thời khai rừng mở đất. Thuở ấy, tôm cá nhiều đến nổi không thể ăn hết cùng lúc mà phải bảo quản để dùng dần những ngày mưa bão. Lâu dần, cái ngon từ tôm cá khô đã hấp dẫn hơn nhiều so với các món tôm - cá tươi, đã hình thành nên một nghề mới ở xứ Cà Mau: Làm tôm – cá khô.
Ở Cà Mau, nói đến làm tôm khô, hầu như bất cứ người phụ nữ nội trợ nào cũng có thể làm được. Nhưng để có món tôm khô ngon nhất để đãi khách quý, thì đòi hỏi phải dày công, tỷ mẫn khi thực hiện từ các khâu: Chọn nguyên liệu, luộc, phơi khô, bóc vỏ, bảo quản.
Bảo tồn
Theo hồ sơ của Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau: Thông tin từ các tư liệu ghi chép lại cho thấy, người dân Cà Mau đã biết cách bảo quản con tôm bằng phương pháp phơi khô từ hàng trăm năm qua.
Các phương thức đánh bắt, khai thác con tôm trong tự nhiên theo phương pháp truyền thống từ xa xưa: Xây nò; Đặt đó; Cất vó; Đặt lú; Chài lưới; Đi trễ; Đóng đáy…
Cuối thế kỷ XVII, Cà Mau là mảnh đất cuối cùng trên con đường Nam tiến mở mang bờ cõi của người Việt. Nơi vùng đất phần lớn là nước nhiễm mặn ven biển, sông rạch chằng chịt với hai mặt giáp biển Đông và biển Tây (Vịnh Thái Lan) tôm cá vô cùng phong phú, đa dạng nhiều vô kể. Do ăn tươi, bán tại chỗ thể hết nên người dân địa phương thường tìm cách chế biến nhằm mục đích lưu trữ để dành ăn dần hoặc bán đi nơi khác.
Nghề làm tôm khô có mặt ở nhiều địa phương của Nam Bộ, nhưng nhiều người vẫn cho rằng tôm khô ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), xã Khánh Hội (huyện U Minh) và thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) của tỉnh Cà Mau là nổi tiếng hơn cả. Nơi đây, cộng đồng cư dân đã gắn bó với nghề thủ công truyền thống này từ hàng trăm năm nay.
Ở Cà Mau hiện có 2 hình thức thực hành nghề làm tôm khô. Hình thức theo truyền thống ra đời từ xa xưa, sản xuất nhỏ lẻ mang tính chất thủ công gia đình và sản xuất quy mô lớn theo dây chuyền công nghệ cao.
Cà Mau đang phát triển thương hiệu nghề làm tôm khô, dự kiến mỗi năm cung cấp cho thị trường ít nhất 50 tấn sản phẩm. Ngoài bảo tồn làng nghề truyền thống, còn giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Người Cà Mau mong muốn rằng, với truyền thống trăm năm của làng nghề, sẽ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngoài việc bảo vệ thương hiệu tôm khô Cà Mau, còn là khẳng định dấu ấn của các bậc tiền nhân đã có công khai phá mở cõi.
Bảo tồn và phát huy nghề làm tôm khô là nguyện vọng của những nhà lãnh đạo chính quyền, quản lý văn hóa và đặc biệt là nguyện vọng chung của người dân trong tỉnh. Đây được xem như những nguyên nhân quan trọng nhất để việc bảo tồn và phát huy nghề làm tôm khô ở Cà Mau có thể đạt được những thành công.