Cà Mau: Nhiều giải pháp xây dựng giao thông an toàn, thượng tôn pháp luật
Nhằm góp phần bảo đảm trật tự ATGT, tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực xây dựng giao thông an toàn, thượng tôn pháp luật.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2022, có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 11 địa phương giảm trên 10% số người chết (có tỉnh Cà Mau).
Cụ thể, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Cà Mau, trong năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 28 vụ TNGT, làm chết 12 người, bị thương 22 người. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 1 vụ (tăng 3,7%), số người chết giảm 3 người (giảm 20%), số người bị thương tăng 4 người (tăng 22,2%).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Lê Văn Sử cho rằng: “Tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực. Đó chính là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là việc nêu gương trách nhiệm người đứng đầu, cũng như việc đổi mới liên tục, thường xuyên thay đổi cách thức tuyên truyền đối với đối tượng học sinh, sinh viên, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn được chú trọng.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết, chủ đề của kế hoạch hoạt động bảo đảm trật tự ATGT năm 2023 trên địa bàn tỉnh vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành xác định, việc kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông.
“Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp”, ông Bằng thông tin.
Bên cạnh đó, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.
Song song đó, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.
“Tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền ATGT; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT”, ông Bằng thông tin thêm.