Cà Mau phát huy tiềm năng kinh tế lâm nghiệp
Cà Mau có hệ sinh thái rừng mang tính đặc trưng từ vùng ngập mặn ven biển với cây đước sang vùng ngập lợ với cây tràm.
Sau chủ trương phân loại cây rừng, đặc biệt là phát triển kinh tế lâm nghiệp dựa trên hình thức chuyển đổi sản xuất, từ giống cây trồng đến hình thức canh tác, chế biến lâm sản, nuôi trồng dưới tán rừng, tận dụng hệ sinh thái rừng để phát triển du lịch… đã mang lại nguồn lợi đáng kể, từng bước thay đổi đời sống của người dân vùng rừng, cũng như các chủ rừng.
Năm 2009 khu vực U Minh Hạ bắt đầu thực hiện chuyển đổi một phần diện tích rừng tràm sang trồng keo lai bằng phương pháp lên liếp trồng rừng tập trung, diện tích trồng keo lai đã tăng nhanh vào các năm tiếp theo. Đến năm 2022 có trên 23.500 ha rừng U Minh Hạ được chuyển đổi từ trồng rừng tràm truyền thống sang lên liếp trồng rừng theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng (keo 11.250 ha; tràm 12.250 ha). Keo lai ở U Minh Hạ sinh trưởng tương đối nhanh, rừng trồng 5 năm tuổi trữ lượng bình quân biến động từ 200m3/ha đến 260m3/ha, có những nơi lên trên 300 m3/ha (cây có đường kính D13 trên 20 cm chiếm khoảng trên 35% số cây).
Hướng đi đúng cho kinh tế rừng
Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty THHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 23.966 ha. Diện tích quy hoạch trồng rừng trên 19.400ha. Ngoài loài cây tràm bản địa, khu vực rừng tràm đã nhập ngoại cây keo lai và tràm Úc. Diện tích rừng keo lai trên lâm phần Công ty là 5.924ha chiếm 32%, năng suất bình quân 160 -180 m3/ha, giá trị 140-160 triệu đồng/ha; tràm thâm canh diện tích 7.622ha chiếm 40%, năng suất bình quân khoảng 120 - 150 m3/ha, giá trị 60 - 80 triệu đồng/ha; tràm quảng canh 2.243ha chiến 12%, năng suất bình quân khoảng 50-70m3, giá trị 40 - 60 triệu đồng/ha.
“Việc phát triển trồng rừng thâm canh đáp ứng được nguyện vọng của người kinh doanh rừng tăng về khối lượng trên một đơn vị diện tích, tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với trước đây”, ông Thảo chia sẻ. Theo ông Thảo, đây là kết quả từ việc học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng rừng thâm canh huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An), ngành lâm nghiệp Cà Mau đã vận dụng vào thực tế sản xuất, chuyển đổi từ mô hình trồng rừng quản canh sang thâm canh (đào kênh kê liếp, kết hợp chăm sóc, tác động các biện pháp kỹ thuật lâm sinh làm giàu rừng) từ đó rút ngắn chu kỳ kinh doanh, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh rừng trồng, hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng.
Đối với khu vực rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng - tôm kết hợp bền vững và giảm phát thải có chứng nhận quốc tế được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ xây dựng từ năm 2013. Đến nay đã có 4.159 hộ với diện tích 21.937 ha, có chứng nhận rừng - tôm bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế (hữu cơ). Doanh nghiệp chế biến thủy sản chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với mức bình quân 500.000 đ/ha/năm khi mua tôm nuôi từ diện tích rừng này. “Mô hình phát triển rừng kết hợp rừng - tôm/sinh thái là hướng đi thiết thực trong tình hình hiện nay. Qua đó giúp cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có ý thức tự giác, tích cực tham gia mô hình rừng - tôm kết hợp theo hướng bền vững, góp phần thích ứng với biển đổi khí hậu; đồng thời tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho toàn bộ hộ dân trên lâm phần, tích cực tham gia quản lý tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường trữ lượng carbon”, ông Lâm Ngọc Kiên, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi đánh giá, đồng thời khẳng định đây là hướng đi mới, thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Ngọc Hiển.
Ông Lưu Tấn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển cho biết, điện tích rừng của đơn vị có sự phối hợp với Công ty Camimex thu mua tôm nguyên liệu dưới tán rừng, thực hiện chi trả dịch vụ rừng khi được chứng nhận mô hình tôm - rừng sinh thái với số hộ tham gia là 1.633 cho phần diện tích trên 9.409 ha vơídiện tích đất có rừng 4.535,14 ha. “Thực tế này đã tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng mô hình rừng - tôm (tôm sinh thái) kết hợp với bảo vệ rừng có hiệu quả, mô hình đang được nhân rộng và phát triển trên lâm phần. Công tác bảo vệ rừng, trồng rừng đi vào nề nếp hơn, khai thác rừng thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đây được xem là những hoạt động mới có hiệu quả trong các năm gần đây của đơn vị”, ông Hùng chia sẻ.
Được biết, mỗi năm Công ty liên kết với Công ty Camimex thu mua, xuất khẩu từ 600-800 tấn tôm nguyên liệu sinh thái, với số tiền chi trả lợi nhuận ngoài giá trị tôm nguyên liệu từ 7-10 tỷ đồng. Bên cạnh những hộ tham gia dự án tôm sinh thái Camimex được Dự án chi trả 500.000 đ/ha/năm/diện tích đất có rừng. Từ đó, tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng mô hình rừng - tôm (tôm sinh thái) kết hợp với bảo vệ rừng có hiệu quả, mô hình đang được nhân rộng và phát triển trên lâm phần.
Sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị
Từ kết quả trên cho thấy, kinh tế lâm nghiệp ở Cà Mau đang trên đà phát triển, còn nhiều tiềm năng để phát huy lợi thế. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, như chất lượng rừng trồng chưa cao, lâm sản tiêu thụ không ổn định, chủ yếu bán cây đứng tại rừng, gỗ nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và chuyển rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn chưa được sự hưởng ứng của người trồng rừng, còn khó triển khai nhân rộng.
“Hiện, công nghiệp chế biến lâm sản trong khu vực chưa phát triển. Tại Cà Mau, chỉ có các cơ sở gia công nhỏ lẻ, chưa có các nhà máy có công suất lớn đi vào hoạt động và tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người trồng rừng, nên chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong trồng, khai thác, chế biến lâm sản; đầu ra của sản phẩm rừng trồng chưa ổn định”, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc SởNông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau nhìn nhận mấu chốt vấn đề mà lĩnh khu vực kinh tế rừng đang gặp khó. Tỷ trọng giá trị, tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp đạt thấp, sức cạnh tranh yếu khi tỷ trọng của lĩnh vực lâm nghiệp chỉ góp vào giá trị của ngành nông nghiệp ở mức 1,44%, trong khi tỷ lệ diện tích rừng trên diện tích tự nhiên rất lớn, chiến 17,4% diện tích tự nhiên của tỉnh…
Tại khu rừng ngập mặn, ông ng Lưu Tấn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển cho biết, hiện một số khu vực trồng rừng tập trung chưa được quan tâm đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy trình kỹ thuật lâm sinh, từ đó năng suất rừng trồng chưa cao; lâm sản khai thác từ rừng chỉ bán sản phẩm thô cho các doanh nghiệp trung gian, chưa gắn được vùng nguyên liệu với chế biến, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của đất rừng. Từ đó, đời sống của nhiều hộ nhận khoán còn khó khăn, mức độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hạn chế.
Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ thông tin, diện tích sử dụng và phát triển rừng hàng năm rất lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm sản lại thiếu ổn định, khó khăn về đầu ra của sản phẩm, giá lâm sản giảm sâu, đặc biệt là cừ tràm. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu đồng thời tăng chi phí vận chuyển lâm sản. Chưa gắn trồng rừng với chế biến và tiêu thụ lâm sản. “Thiếu nguồn cây giống tốt chất lượng chưa cao phục vụ trồng rừng, một số hộ dân mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá thành rẻ trồng rừng, từ đó dẫn đến rủi ro phát sinh sâu bệnh hại rừng trồng”, ông Thảo trăn trở.
Nhận diện thực tế, thời gian tới, tỉnh Cà Mau tập trung chuyển đổi từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh với diện tích 29.000 ha, bao gồm: rừng keo lai khoảng 12.000 ha, rừng cây tràm các loại 17.000 ha; trong đó rừng gỗ lớn loài cây keo lai chiếm khoảng 10% diện tích rừng trồng keo tại khu vực rừng U Minh Hạ. Đối với khu vực rừng ngập mặn, rừng sản xuất và rừng phòng hộ (nơi có sản xuất kết hợp) tập trung phát triển mô hình rừng - tôm bền vững theo hướng chứng nhận tôm sinh thái (hữu cơ) theo tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích 38.000 ha; sản phẩm gỗ khai thác cung cấp nguyên liệu cho chế biến.
“Cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào trồng rừng sản xuất, kinh tế lâm nghiệp sẽ được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tiến đến đánh giá và cấp chứng chỉ rừng trồng, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng; đồng thời tăng cường trữ lượng carbon rừng giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nêu quyết tâm của ngành.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/ca-mau-phat-huy-tiem-nang-kinh-te-lam-nghiep-i704524/