Cà Mau quyết xử lý phương tiện đánh bắt cá vi phạm trên sông

Đoàn liên ngành Đường thủy nội địa tỉnh Cà Mau phối hợp cùng các địa phương giải tỏa chướng ngại vật trên các tuyến sông để bảo đảm ATGT.

Lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa hàng đáy neo trên sông ở Cà Mau.

Lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa hàng đáy neo trên sông ở Cà Mau.

Ngày 16/11, Đoàn liên ngành Đường thủy nội địa tỉnh Cà Mau phối hợp với các địa phương tổ chức ra quân giải tỏa các đáy neo (phương tiện dùng để bắt cá trên sông - PV) trên các tuyến sông do Trung ương và địa phương quản lý.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành giải tỏa chướng ngại vật trên sông thuộc địa bàn các xã Lương Thế Trân, Tân Hưng, Đông Hưng của huyện Cái Nước; xã Tân Trung, Trần Thới, Phách Phẩm, Quách Phẩm Bắc của huyện Đầm Dơi; giải tỏa hàng đáy trên tuyến sông Bảy Háp (chiều dài 31km), đây là tuyến sông do Trung ương quản lý.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết, việc giải tỏa hàng đáy, chướng ngại vật trên sông nhằm tạo luồng thông thoáng, hạn chế xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy đáng tiếc.

“Trong quá trình thực hiện giải tỏa, địa phương cũng cần ưu tiên chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, sau giải tỏa, Đoàn liên ngành sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, kiên quyết không để phát sinh các hàng đáy mới trên sông”, ông Bằng thông tin.

Hàng đáy được người dân đặt dưới sông ở Cà Mau, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao, nhất là vào ban đêm không có đèn chiếu sáng.

Hàng đáy được người dân đặt dưới sông ở Cà Mau, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao, nhất là vào ban đêm không có đèn chiếu sáng.

Cũng theo ông Bằng, nếu địa phương nào để xuất hiện hàng đáy thì người đứng đầu địa phương đó sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều hộ dân không đất sản xuất, có hoàn cảnh khó khăn, sống chủ yếu bằng nghề đặt nò, đó, vó, lú (các dụng cụ dùng để bắt cá - PV) trên sông.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các địa phương ngoài việc tuyên truyền cho người dân, cần rà soát, thống kê chặt chẽ hoàn cảnh của các hộ dân này để có giải pháp hỗ trợ dạy nghề, đào tạo nghề miễn phí để giúp họ có thể chuyển đổi nghề.

“Về lâu dài, ngành chức năng của tỉnh cũng xây dựng đề án làng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản để người dân đủ điều kiện có thể vào khai thác, đánh bắt một cách hợp pháp, không còn tình trạng khai thác tràn lan và vi phạm pháp luật”, ông Bằng nhấn mạnh.

Gia Minh

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/ca-mau-quyet-xu-ly-phuong-tien-danh-bat-ca-vi-pham-tren-song-d486219.html