Cà Mau: Sạt lở đất gây thiệt hại 14 nhà dân ở huyện Năm Căn
Theo thống kê, tổng chiều dài đoạn sạt lở khoảng 50m, chiều rộng từ mép bờ vào khoảng 15m, độ sâu 6m. Ước tổng thiệt hại của vụ sạt lở khoảng 810 triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người.
Ngày 5/7, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn xã Tam Giang vừa xảy ra vụ sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng thiệt hại 14 căn nhà của 10 hộ dân tại địa phương.
Rất may, vụ sạt lở, sụt lún đất không gây thiệt hại về người.
Theo đó, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 23h5 phút ngày 4/7, tại khu vực chợ Kênh 17, tuyến Kênh 17, xã Tam Giang gây ảnh hưởng, thiệt hại 14 căn nhà.
Vụ sạt lở làm thiệt hại hoàn toàn 12 căn của 8 hộ dân; mỗi căn rộng 2,5m, dài 10m. Theo thống kê đo đạc của ngành chức năng, tổng chiều dài đoạn sạt lở khoảng 50m, chiều rộng từ mép bờ vào khoảng 15m, độ sâu khoảng 6m. Ước tổng thiệt hại của vụ sạt lở khoảng 810 triệu đồng.
Sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.
Ủy ban Nhân dân huyện Năm Căn đã thành lập đoàn xuống địa phương thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân bị thiệt hại 25 triệu đồng. Ủy ban Nhân dân xã Tam Giang cũng hỗ trợ 8 triệu đồng cho 10 hộ bị thiệt hại do sạt lở đất gây ra.
Những năm qua, huyện Năm Căn là một trong những địa phương của tỉnh Cà Mau chịu nhiều thiệt hại do tình trạng sạt lở đất ven sông trong mùa mưa bão. Với đặc thù người dân địa phương thường sinh sống tập trung ven sông, chạy dọc theo các tuyến kênh nên thường chịu nhiều ảnh hưởng mỗi khi mưa bão khắc nghiệt.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi kiểm tra thực tế công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Năm Căn vừa qua, ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn - Phó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Năm Căn cho biết, cơ sở hạ tầng, nhất là nhà ở của nhân dân đa phần là nhà cấp 4 và nhà ở tạm, tập trung chủ yếu ven sông nên khi có bão, áp tháp nhiệt đới, lốc xoáy xảy ra, thiệt hại là không tránh khỏi.
Ngoài ra, do địa bàn xã nằm gần biển, biên độ triều cường cao, dòng chảy xiết nên tình trạng sạt lở đất ven sông thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp. Hệ thống đê bao chưa được đầu tư nhiều, quy mô đầu tư nhỏ, chưa đáp ứng chống chọi với thiện tai, khi có bão, áp thấp nhiệt đới và nước dâng dễ bị vỡ và tràn bờ.
Để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, hiện tại tất cả 8 xã, thị trấn trên địa bàn đã thành lập đội phản ứng nhanh trong phòng chống thiên tai với 350 thành viên…
Nói về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Đức Trung kiến nghị, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo các ngành chức năng sớm có các giải pháp triển khai thực hiện các điểm quy hoạch dân cư để di dời hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao./.