Cà Mau: Sớm xử lý các bến vật liệu xây dựng vi phạm trên kênh Rạch Rập
Các bến VLXD này lấn chiếm đất bảo lưu ven sông, xây kè lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, hư hỏng đường dân sinh dọc kênh Rạch Rập (Cà Mau).
Thời gian gần đây, Báo Giao thông nhận được phản ánh của người dân về việc một số bến vật liệu xây dựng (VLXD) hoạt động lấn chiếm luồng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trên tuyến kênh Rạch Rập (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), làm hư hỏng lộ giao thông nông thôn. Chính vì điều này khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy.
Xây dựng lấn chiếm đất bảo lưu ven sông
Một người dân (xin được giấu tên) phản ánh: “Các bến VLXD này hoạt động đã lâu. Các bãi chứa cát, đá với khối lượng khổng lồ, xe cẩu đậu giữa đường, khiến người dân qua lại rất bất an.
Thậm chí có doanh nghiệp xây dựng công trình mái che, kè kiên cố lấn chiếm đất và hành lang đường bộ trên tuyến kênh Rạch Rập, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy”.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông vào chiều 6/6, các bến VLXD này vẫn đang hoạt động bình thường, có sà lan tải trọng lớn cập bến, các phương tiện lên xuống VLXD.
Tại đoạn giao giữa đường giao thông nông thôn với QL1, có một bến làm mái che nhà kho ra đến đường dân sinh, tập kết VLXD gần sát đường, khiến phương tiện qua lại khó khăn. Cách đó hơn 100m có một bến làm mái che khung sắt hoành tráng bao trùm qua đường giao thông.
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP Cà Mau cho biết, qua kiểm tra thực trạng cho thấy, tại khu vực đối diện đền Tân Hưng (ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm) có 4 doanh nghiệp kinh doanh VLXD đang hoạt động, gồm: VLXD Cao Danh Đàn; Trịnh Thị Thủy Hồng, Nguyễn Minh Trung và Nguyễn Văn Sơn.
“Các hoạt động bến thủy nội địa của bốn doanh nghiệp nêu trên đều được Sở GTVT tỉnh Cà Mau cấp giấy phép hoạt động. Trong quá trình hoạt động có 2 doanh nghiệp Trung Hoa và Đức Anh xây dựng lấn chiếm đất bảo lưu ven sông đã được UBND xã Lý Văn Lâm lập biên bản xử phạt hành chính và trình UBND TP Cà Mau ban hành quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả”, ông Giang cho hay.
Xây kè lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, hư hỏng đường dân sinh
Theo Phòng QLĐT TP Cà Mau, các doanh nghiệp còn xây dựng kè bến lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ so với hiện trạng cấp phép.
Cụ thể, bến VLXD Hồng Đức xây dựng vi phạm 7m; bến VLXD Trung Hoa xây dựng vi phạm 4m; bến VLXD Trường Sơn xây dựng vi phạm 9m; Bến VLXD Đức Anh xây dựng vi phạm 7m.
Đối với các phương tiện neo đậu lấn chiếm hành lang an toàn ĐTNĐ, hành lang luồng đã được đoàn liên ngành kiểm tra xử lý nhiều lần (đã xử phạt hành chính hai lần vào tháng 6/2021 và tháng 11/2022).
Trong thời gian hoạt động, các doanh nghiệp làm hư hỏng đường giao thông nông thôn. Sau khi UBND xã Lý Văn Lâm kiểm tra, đề nghị khắc phục, doanh nghiệp có khắc phục phần hư hỏng, nhưng không đáp ứng như ban đầu. Hiện nay, một số doanh nghiệp tiếp tục gây hư hỏng ảnh hưởng đến ATGT của các hộ dân trong khu vực.
“Hiện tại, bến VLXD do ông Trung làm chủ đã tự nguyện tháo dỡ, còn bến VLXD do ông Đàn làm chủ đang điều chỉnh quy mô. Các đơn vị vi phạm cũng cam kết khắc phục, sửa chữa lại đường dân sinh”, ông Giang cho hay.
Khi được hỏi về việc xử lý trách nhiệm của địa phương để các bến vi phạm, ông Giang thông tin: “UBND TP Cà Mau chưa chỉ đạo thực hiện. Còn hai đường đấu nối vào QL1 để xe chở VLXD ra vào, Phòng QLĐT sẽ phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra, xử lý”.
Nhằm giải quyết dứt điểm việc vi phạm của 4 bến VLXD trên kênh Rạch Rập, Phòng QLĐT TP Cà Mau đề xuất UBND TP Cà Mau kiến nghị Sở GTVT chỉ đạo Phòng Quản lý chất lượng và kết cấu hạ tầng xuống thực địa.
Đồng thời, cơ quan chức năng xác định vị trí, kích thước các bến được cấp phép.
Bên cạnh đó, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở lập biên bản xử lý đối với chủ bến thủy nội địa, người quản lý khai thác bến thủy nội địa có hành vi tự ý thay đổi kết cấu, kích thước, công dụng công trình so với quy định.