Cà Mau thúc tiến độ thi công các công trình trọng điểm
Đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã giải ngân được khoảng 39,5 % tổng vốn đầu tư công 2022, cao hơn gần 4% so với bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, xét yêu cầu các kết quả này vẫn còn chậm; trong đó, chủ yếu tập trung vào khâu giải phóng mặt bằng, có nguồn vốn Trung ương giao chậm; biến động thị trường do giá nhiên liệu có lúc tăng cao, khan hiếm nguồn vật tư… Từ đó, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của địa phương.
Theo Ban Quản lý Dự án Xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau, tại nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm do đơn vị làm chủ đầu tư hiện đang vướng mặt bằng, cần được tháo gỡ như Dự án xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông Tây và cầu Gành Hào; Dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng trục lộ Đông - Tây đi qua địa bàn huyện Cái Nước…
Điển hình, Dự án đầu tư xây dựng cầu qua sông Ông Đốc đã chi trả được 150/174 hộ (phía bờ Nam). Một số hộ tuy chưa nhận tiền nhưng qua vận động của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Trần Văn Thời đã đồng ý bàn giao mặt bằng nên khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 30%.
Một khó khăn khác do nguồn nguyên vật liệu phải mua từ các tỉnh khác, đồng thời trong bối cảnh một số tỉnh đã siết chặt việc quản lý, hoạt động khai thác cát khiến nguồn cung khan hiếm, từ đó các dự án chậm tiến độ kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Dự án gói thầu số 33, Công ty cổ phần sản xuất công nghiệp xây lắp 3 – đơn vị thi công phần chính cầu bắt qua sông Ông Đốc cho biết, thời gian qua, giá vật liệu xây dựng gia tăng rất nhanh, nhất là tại Cà Mau, nguồn nguyên vật liệu phải huy động chủ yếu từ bên ngoài nên rất khó khăn.
Bên cạnh đó, thị trường nhân công ở địa phương không chỉ khan hiếm mà lực lượng có tay nghề cũng rất ít. Vì vậy, các ngành và chủ đầu tư cần xem xét lại hệ thống bảng giá xây dựng cho phù hợp tình hình nay.
Tương tự, tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân xuất phát từ giá nhiên liệu tăng cao dẫn tới giá cước vận chuyển nguyên vật liệu tăng, ảnh hưởng tới chi phí xây dựng công trình; nguồn cung cát bị hạn chế, chưa đáp ứng được theo kế hoạch đề ra…
Bên cạnh đó, một số nhà thầu còn chủ quan chưa tập trung tối đa nguồn lực, nhất là về tài chính để triển khai thi công; huy động thiết bị xe máy và nhân sự còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Báo cáo của Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư) nêu rõ, tính đến giữa tháng 8, giá trị sản lượng cả dự án đạt trên 540/1.237 tỷ đồng, đạt 43,7% giá trị các hợp đồng; so với kế hoạch lũy kế đạt 540/710 tỷ đồng tương ứng 76,05%, chậm 23,95%, tương đương trên 170 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các hộ dân đã bàn giao được 13,603/14,243 km, đạt 96%, còn vướng 0,683 km đoạn qua Khu công nghiệp Hòa Trung (huyện Cái Nước).
Liên quan đến dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 và các nhà thầu kịp thời xử lý, báo cáo những khó khăn, vướng mắc dự án để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời, mong muốn sớm đưa dự án vào khai thác, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp vận tải.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, đẩy nhanh những vị trí vướng mặt bằng, giải phóng mặt bằng đến đâu cần sớm bắt tay vào làm ngay, nhằm hạn chế phát sinh. Các nhà thầu phải khẩn trương, phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thi công phù hợp.
Qua theo dõi tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đánh giá, trong điều kiện giá vật liệu, giá xăng tăng cao trong thời gian qua, đặc biệt khan hiếm một số nguồn vật liệu xây dựng kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ các công trình. Bên cạnh đó, tiến độ của một vài dự án còn chậm, nhất là vướng trong khâu hồ sơ, thủ tục...
Để khắc phục việc này, ông Nguyễn Tiến Hải đề nghị trong thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo cho các địa phương có các công trình đi qua, tập trung quyết liệt vào khâu giải phóng mặt bằng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, bám sát thiết kế của từng công trình, dự án.
Cùng đó, rà soát từng hộ, từng đối tượng để làm tốt việc đo đạc, kiểm đếm bảo đảm chặt chẽ, chính xác, từ đó nếu phát sinh vướng hộ nào thì đến ngay từng hộ để nắm tình hình, có giải pháp khắc phục ngay.
Các chủ đầu tư phải quyết liệt trong việc hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đảm bảo chặt chẽ, chính xác, kịp thời các bước quy trình, thủ tục, nhất là khâu khảo sát, thiết kế tránh việc chất lượng công trình không đảm bảo.
Bên cạnh đó, yêu cầu từng ngành, chủ đầu tư chủ động kiểm tra tiến độ các công trình, dự án; báo cáo tiến độ hằng tuần cho Thường trực Tỉnh ủy, nhất là các công trình, dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án này vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội để tránh lãng phí.
“Rà soát chặt chẽ từ hộ, từng đối tượng để hỗ trợ theo quy định, tránh sai sót và khiếu nại kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm. Chủ đầu tư phải quyết liệt hoàn thành hồ sơ, thủ tục, những công trình nào mới phải quyết liệt làm ngay nhưng phải đảm bảo chính xác. Đặc biệt, UBND tỉnh yều cầu các ngành kiểm tra tiến độ hàng tuần, phát hiện vướng mắc thì phải giải quyết ngay", Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, vốn đầu tư công ở tỉnh hiện không thiếu nhưng phải có quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm. Hơn nữa, qua đây phải thấy được trách nhiệm trước nhân dân vì công trình sớm hoàn thành ngày nào sẽ tạo điều kiện rất lớn, tạo thêm cơ hội và động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ca-mau-thuc-tien-do-thi-cong-cac-cong-trinh-trong-diem/255337.html