Cà Mau: Tiếp tục tăng cường chống khai thác IUU
Tỉnh Cà Mau đang tiếp tục tăng cường chống khai thác IUU, cùng chung tay gỡ 'thẻ vàng' EC và chuẩn bị các điều kiện đón đoàn thanh tra EC lần thứ 5.
Phát triển bền vững ngành thủy sản
Ngày 13/5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản; chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Theo đó, về nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 5/2024, tập trung thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Tăng cường công tác quản lý và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm; tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chống khai thác IUU.
Về nhiệm vụ, giải pháp dài hạn, rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện các phương án, dự án: thí điểm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh;
Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng phục vụ khai thác thủy sản bền vững và chuyển đổi nghề trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiện trạng môi trường khu vực ven biển và ven các đảo phục vụ nuôi trồng thủy sản tỉnh.
Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối Chi cục trưởng các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng quản lý nhà nước về thủy sản hoặc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm ngư theo quy định pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản.
Ngoài ra, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản, bảo đảm công cụ, phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện công tác chống khai thác IUU, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; các nhiệm vụ về phát triển nuôi hải sản trên biển, ven biển của tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 và định hướng đến năm 2030; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Hoàn chỉnh hồ sơ, xem xét, phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh theo quy định. Xây dựng, thực hiện quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; Đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tang nghề cá trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;...
Qua đó, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển của tỉnh; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.
Chuẩn bị các điều kiện đón đoàn thanh tra EC lần thứ 5
Thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã nỗ lực trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tạo được chuyển biến tích cực.
Số vụ tàu cá vi phạm trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần. Hướng tới mục tiêu lấy lại “thẻ xanh” của Ủy ban châu Âu (EC), các ngành, các cấp trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đón đoàn thanh tra EC lần thứ 5.
Theo dự kiến, cuối tháng 5/2024, đoàn thanh tra của EC sẽ đến kiểm tra tình hình và kết quả thực hiện công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và và không theo quy định (IUU) tại một số địa phương ở Việt Nam.
Tuy nhiên, để chủ động trong công tác chuẩn bị, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đề ra vào giữa tháng 5/2024.
Việc đoàn thanh tra EC đến kiểm tra sẽ là cơ hội để Cà Mau cũng như các tỉnh, thành phố khác lấy lại ”thẻ xanh” trong khai thác hải sản. Để đảm bảo tốt các điều kiện cung cấp thông tin, bằng chứng và tiến bộ trong thực tế, các ngành, các cấp trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Với quyết tâm gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC, ngay từ sớm Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch, phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian, nội dung công việc theo kế hoạch, củng cố hồ sơ, tài liệu, cập nhật cho đoàn thanh tra EC.
Điểm nổi bật của tỉnh là thời gian qua đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào trong xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Theo đó, đã triển khai thực hiện Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT VN) theo hướng dẫn của Cục Thủy sản.
Các lực lượng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng IUU, Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý các Cảng cá, các doanh nghiệp và ngư dân là chủ tàu, thuyền trưởng đã được tập huấn sử dụng Hệ thống eCDT VN. Đến nay, đã phê duyệt 690/693 yêu cầu cập, rời cảng trên Hệ thống eCDT VN.
Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đảm bảo, đúng theo quy định và chỉ đạo của Trung ương về việc xác định, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý và kiểm tra.
Theo đó, đã kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại 10 Trạm kiểm soát Biên phòng hiện có trên địa bàn tỉnh và thành lập thêm 09 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có Trạm kiểm soát Biên phòng.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện đón đoàn thanh tra EC, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, các ngành, các cấp, lực lượng chức năng tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra.
Trong đó, đối với tàu cá hết hạn giấy phép, hết hạn đăng kiểm tăng cường công tác chỉ đạo để đảm bảo đẩy nhanh việc cấp phép, gia hạn đăng kiểm.
Đẩy mạnh việc cải cách, đổi mới công tác quản lý cảng cá, đảm bảo nâng cao năng lực dịch vụ sản xuất, quản lý nghề cá tại cảng cá, giám sát tàu cá và sản lượng khai thác bốc dỡ tại cảng.
Tăng cường công tác, tuyên truyền, giao trách nhiệm cấp xã là lực lượng chính trong quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân. Triển khai thống kê sản lượng tại các cơ sở thu mua hải sản, bến cá tư nhân.
Ngoài ra, mở các đợt cao điểm, có sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm soát; kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ về chống khai thác IUU.
Đến nay, toàn tỉnh cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá.
Tỉnh có 1.519 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ 100% đối với tàu cá đang hoạt động. Có 3.080/4.075 tàu cá được cấp giấy phép khai thác còn hạn, đạt 75,58%; có 4.073/4.073 tàu cá được đánh dấu phương tiện, đạt 100%. Có 1.252/1.520 tàu cá được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.