Cà Mau tìm giải pháp lâu dài đối phó sụt lún, sạt lở: Hàng chục nghìn tỷ đồng 'lấp' các điểm sụt lún

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định tình hình sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn trong thời gian qua giống với mùa hạn hán năm 2015-2016 nhưng gây thiệt hại nặng nề hơn. Đặc biệt, mùa khô năm nay dự báo sẽ kéo dài hơn nên việc tìm ra những giải pháp khắc phục cho trước mắt và lâu dài là hết sức quan trọng.

Kỳ 4: Hàng chục nghìn tỷ đồng "lấp" các điểm sụt lún

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, do tình hình hạn hán mùa khô 2019 – 2020 xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt hơn đã gây ra nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, hạn hán đã làm cho các kênh, rạch bị khô cạn, mất phản áp nước gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trên 1.600 điểm, vị trí trên tuyến đê biển Tây và nhiều tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 25,3 km.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau cũng đã hết sức chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống sụt lún (lắp đặt biển cảnh báo, biển báo hạn chế tốc độ, tải trọng, rào chắn, đèn chiếu sáng vào ban đêm...) tại các vị trí, đoạn tuyến bị rạn nứt và có dấu hiệu, nguy cơ sụt lún để đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra nhằm sớm phát hiện các vị trí, đoạn tuyến có nguy cơ sụt lún để triển khai kịp thời các biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các nhà khoa học đầu ngành, các viện, trường, các cơ quan chuyên môn Trung ương để đánh giá thực trạng tác động do hạn hán trên địa bàn tỉnh nói chung và tình hình sụt lún đất nói riêng nhằm xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả để thực hiện.

Tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường quản lý việc nạo vét đường thủy nội địa, đất ven sông, bờ kênh, rạch đảm bảo đúng quy định để không gây mất ổn định, an toàn khai thác công trình đường giao thông gây sụt lún, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

 Hiện trường bị sụt lún trên đường về trung tâm xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau vào ngày 5/4. Ngày 4/5, đoạn đường này tiếp tục sụt lún dài 19 mét, sâu 3 mét. Ảnh: CTV.

Hiện trường bị sụt lún trên đường về trung tâm xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau vào ngày 5/4. Ngày 4/5, đoạn đường này tiếp tục sụt lún dài 19 mét, sâu 3 mét. Ảnh: CTV.

Ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết, tùy theo tình hình sụt lún và điều kiện thực tế của địa phương mà tỉnh sẽ triển khai các giải pháp hộ đê khác nhau.

Cụ thể, đối với các đoạn đê biển Tây đã bị sụt lún (dọc tuyến đê từ Kênh Mới xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời) đến Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến (U Minh) tỉnh đã tổ chức hộ đê bằng kè mái nghiêng với rọ đá bảo vệ mái đặt trên lớp lọc vải địa kỹ thuật, với tổng chiều dài các đoạn là 7.500 mét. Tổng kinh phí cho việc lắp đặt này là 50 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh củng xử lý tạo phản áp khắc phục sự cố sụp lún đê biển Tây bằng cách bơm bùn cát vào trong kênh mương đê với cao trình thích hợp nhất trên tổng chiều dài 4,2 km, trong đó có 800 mét san lấp cát khu tái định cư xen ghép Đá Bạc với tổng kinh phí 45 tỷ đồng (trong đó bơm bùn tạo phản áp 15 tỷ đồng, bơm cát khu tái định cư Đá Bạc 30 tỷ đồng). Dự kiến xử lý khắc phục 03 điểm sụt lún dài 240 mét đoạn Đá Bạc hướng về Kênh Mới, với kinh phí 3 tỷ đồng.

Đối với các công trình giao thông đã bị sụt lún trong thời gian vừa qua, tỉnh đã đắp trả bằng cát hoặc đất khô được đầm nén đối với phần mặt đường bị sụt, phía ngoài tạm thời đắp đất để giữ lề (đắp từng lớp theo chiều cao của vật liệu đắp mặt đường).

Phía trên phần mặt đường thi công lớp cấp phối đá dăm đến cao độ mặt đường hiện hữu để đảm bảo xe lưu thông và tiếp tục bù lún cho đến khi mặt đường ổn định thì mới thi công lớp láng nhựa hoặc tấm bê tông cốt thép (BTCT).

Riêng đối với những tuyến đường có quy mô đường cấp VI trở lên (đường ô tô đến trung tâm xã) bị sụt lún với cung trượt lớn thì ngoài các giải pháp nêu trên còn phải kết hợp với đắp bệ phản áp và xem xét đến việc duy trì mực nước trong các kênh dọc tuyến (nếu có thể) để tạo áp lực cân bằng cho nền đường.

 Mặt đường trên đê biển Tây, đoạn qua địa phận ấp 7, 8 (thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau) xuất hiện nhiều khe nứt, rộng từ 10 cm đến 15 cm, kéo dài hơn 1,6km (Ảnh chụp ngày 5/5/2020).

Mặt đường trên đê biển Tây, đoạn qua địa phận ấp 7, 8 (thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau) xuất hiện nhiều khe nứt, rộng từ 10 cm đến 15 cm, kéo dài hơn 1,6km (Ảnh chụp ngày 5/5/2020).

Theo ông Dư Bé Ba - Chủ tịch UBND huyện U Minh (Cà Mau), phản ánh, mặt đường trên đê biển Tây, đoạn qua địa phận ấp 7, 8 ( thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau) xuất hiện nhiều khe nứt kéo dài, rộng từ 10 cm đến 15 cm, khe nứt kéo dài hơn 1,6km. Huyện đang phối hợp với quan chức năng có liên quan và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương khắc phục tình trạng khe nứt mặt đường trên đê biển Tây.

Đê biển Tây (xã Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) có đoạn bị sụt lún sâu hơn 2 mét. Hiện tại, đã khắc phục hơn một nửa đoạn đường.

Đê biển Tây (xã Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) có đoạn bị sụt lún sâu hơn 2 mét. Hiện tại, đã khắc phục hơn một nửa đoạn đường.

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin về tình trạng tuyến đường đê biển Tây, đoạn Đá Bạc - Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) hai lần bị sụp lún, sạt lở. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo cho gia cố những đoạn sụp lún, sạt lở bằng cách bơm cát, bơm đất vào con kênh khô cạn nước phía trong đê để phản áp, ngăn chặn sụp lún, sạt lở tái diễn. Hiện tại đã khắc phục hơn một nửa đoạn đường./.

Trọng Nghĩa - Phúc Tiến

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/ca-mau-tim-giai-phap-lau-dai-doi-pho-sut-lun-sat-lo-hang-chuc-nghin-ty-dong-lap-cac-diem-sut-lun-514442.html