Cà Mau: Vượt khó, đưa chính sách bảo hiểm xã hội đi vào cuộc sống
Không chỉ nỗ lực và bền bỉ để thúc đẩy chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đi vào đời sống, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Cà Mau đang rất quyết tâm tăng cường cải cách thủ tục hành chính 'nhanh gọn, thuận lợi, hiệu quả' nhằm giải quyết tốt các chế độ chính sách, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) được triển khai từ năm 1992 tại tỉnh Cà Mau và đến năm 1995 tiếp tục triển khai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Ban đầu chỉ thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tiếp sau đó triển khai đến các doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên.
Tại hội nghị Hội nghị tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, ông Trịnh Trung Kiên - Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau - cho biết, vượt lên những khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách BHYT, BHXH, đến nay hai trụ cột trong chính sách an sinh xã hội này đang không ngừng được mở rộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặt biệt là việc mở rộng cho nông dân tham gia loại hình BHXH tự nguyện, để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Theo đó, nếu như năm 2009, toàn tỉnh Cà Mau chỉ có 450.138 người tham gia BHXH, BHYT thì đến năm 2019 có đến 1.035.011 người tham gia; trong đó tham gia BHYT là 1.026.191 người, chiếm tỷ lệ 90% dân số. Bên cạnh đó, cùng với nhiệm vụ thu và phát triển đối tượng tham gia, hằng năm BHXH tỉnh Cà Mau luôn đảm bảo nguồn chi trả lương hưu, các loại trợ cấp ngắn hạn và thanh toán, chi trả chi phí khám, chữa bệnh kịp thời, đầy đủ cho hàng triệu người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Thống kê từ năm 1998 đến năm 2019, toàn tỉnh có trên 389.000 lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; trong đó tổng chi trả các chế độ BHXH năm 2019 là hơn 944 tỷ đồng, tăng gấp hơn 78 lần so với năm 1998. “Việc trả lương hưu và các chế độ trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chủ yếu chi qua tài khoản của tổ chức, cá nhân người thụ hưởng và qua dịch vụ bưu chính, hạn chế tối đa chi trả, thanh toán bằng tiền mặt tại cơ quan BHXH” - ông Kiên cho hay.
Hiện nay BHXH tỉnh Cà Mau cũng đã ký hợp đồng với 112 cơ sở y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT. Hằng năm trong tỉnh có gần 3 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với tổng số tiền chi trả hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2005, tổng chi khám, chữa bệnh BHYT chỉ hơn 22 tỷ đồng thì đến năm 2019, tổng số tiền chi trả lên đến hơn 1.226 tỷ đồng.
Ông Trịnh Trung Kiên đánh giá, quỹ BHYT đã thực sự là cứu cánh quan trọng giúp người bệnh giữ được mạng sống, thoát khỏi các căn bệnh hiểm nghèo, đồng thời giảm thiểu những tổn thất về tài chính khi chẳng may bị bệnh tật nguy hiểm, kéo dài. “Chính sách BHYT đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng trợ cấp xã hội, người có công, thân nhân người có công... đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh” - ông Kiến cho biết.
Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được cắt giảm, đơn giản hóa đến 90% số lượng thủ tục, từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục, cắt giảm 82% chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu; 78% quy trình, thao tác thực hiện. Trong đó, có 7 thủ tục giao dịch trực tuyến mức độ 4; 12 thủ tục giao dịch trực tuyến mức độ 3; 8 thủ tục giao dịch trực tuyến cấp độ 2. Giảm 60% thời gian thực hiện các TTHC, từ 335 giờ xuống còn 147 giờ. Từ đó, mức độ hài lòng của người tham gia BHXH ngày càng nâng lên.
BHXH tỉnh Cà Mau cũng đã rà soát hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT trên địa bàn dân cư của hơn 388.000 hộ gia đình, với hơn 1 triệu khẩu. Đã bàn giao 100% sổ BHXH cho người lao động quản lý theo quy định của Luật BHXH, 100% người tham gia BHYT được cấp thẻ BHYT theo mã số định danh sử dụng lâu dài. Người dân khám bệnh tại bất kỳ cơ sở nào, ở bất cứ đâu khi cung cấp mã số này, nhân viên y tế sẽ tra cứu được thông tin sức khỏe, lịch sử khám bệnh, chữa bệnh.
Các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của ngành đều được ứng dụng công nghệ thông tin, như giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; số hóa hồ sơ lưu trữ và các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán... đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Tỉ lệ giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC giữa cơ quan BHXH và cơ quan, doanh nghiệp đạt hơn 94%.
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, ông Trịnh Trung Kiên nhấn mạnh, BHXH tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC theo hướng “nhanh gọn, thuận lợi, hiệu quả” nhằm giải quyết tốt các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, chăm lo phục vụ tốt hơn cuộc sống, sức khỏe của nhân dân, góp phần tích cực vào sự ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, xứng đáng là trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội.