Cà Mau xin hỗ trợ 2.377 tỷ đồng phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông

UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ 2.377 tỷ đồng để phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông.

Ngày 14/8, theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay, tỉnh này đang khẩn trương hoàn thiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo ý kiến đóng góp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vụ sạt lở bờ sông hồi đầu tháng 7/2024 làm hư hỏng nhà dân ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Vụ sạt lở bờ sông hồi đầu tháng 7/2024 làm hư hỏng nhà dân ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Trước mắt, tỉnh Cà Mau kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển tại các điểm đặc biệt nguy hiểm khu vực bờ biển Đông với chiều dài theo tình huống khẩn cấp đã ban bố là 21,55km, kinh phí khoảng 1.693 tỷ đồng và một số tuyến bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 5,7km, tổng kinh phí 684 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, bờ biển Tây bị sạt lở nguy hiểm dài 22km; bờ biển Đông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,85km.

Ngoài ra, có đến 355 điểm sạt lở bờ sông. Trong đó, có 82 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng là 3.724ha. Tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở, có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425km.

Ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài, khiến nhiều tuyến đường, cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị hư hỏng nghiêm trọng.

Ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài, khiến nhiều tuyến đường, cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị hư hỏng nghiêm trọng.

Sạt lở đã làm hư hỏng gần 28km lộ giao thông; 334 căn nhà; nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700ha (bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác). Tổng thiệt hại sạt lở đã gây ra cho tỉnh ước gần 1.120 tỷ đồng.

Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, hạn hán mùa khô năm 2023-2024 vừa qua đã làm sụt lún trên 700 điểm ở vùng ngọt hóa, gần 20km đường giao thông nông thôn; trên 2.600 hộ gia đình gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, ước tổng thiệt hại về tài sản trên 28 tỷ đồng.

Nguyên nhân sụt lún là do tình trạng hạn hán kéo dài, nước trên các sông rạch khô cạn, ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và mất phản áp lực nước lên bờ kênh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, đường giao thông rất nghiêm trọng.

Danh mục dự án kè khắc phục sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau:

Ba dự án sạt lở bờ biển gồm: Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà (huyện Ngọc Hiển, dài 6,4km, kinh phí 377,6 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông, đoạn từ kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy (huyện Ngọc Hiển, dài 7,15km, kinh phí 843,7 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông, đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề (huyện Năm Căn, dài 8km, kinh phí 472 tỷ đồng).

Ba dự án sạt lở bờ sông gồm: Khu tái định cư 25 hộ ấp Bỏ Hủ, giáp biển (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, dài 1km, kinh phí 120 tỷ đồng); sông Cả Bẹ - Đầm Chim - Hố Gùi (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, dài 4,2km, kinh phí 504 tỷ đồng); tuyến lộ Tân Tiến - Nguyễn Huân (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, dài 500m, kinh phí 60 tỷ đồng).

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ca-mau-xin-ho-tro-2377-ty-dong-phong-chong-sat-lo-bo-bien-bo-song-192240814111208438.htm