Cả một trời kiêu hãnh
Tính tự ái cũng cản trở tầm nhìn và nhận thức khách quan, khiến cho người ta chỉ quan tâm đến lòng tự tôn của mình thay vì tiếp thu và học hỏi
Tôi có một người bạn ngoại quốc và chúng tôi có một bạn chung là chị X. Một ngày nọ, tôi chia sẻ với anh về lý lịch rất hoành tráng của chị X. Anh kinh ngạc vì thấy chị không có vẻ gì ở vị trí quyền cao chức trọng như tôi đã kể. Nghĩa là chị rất giản dị, kiệm lời và ứng xử bình dân. Rồi anh nói thêm: "Tôi thích người Việt ở sự khiêm nhường và tính cách khiêm tốn. Những người tôi gặp đều giống như vậy". Tôi bảo anh nhầm rồi, là anh mới sang Việt Nam nên không thể hiểu hết tính cách chúng tôi.
Khiêm tốn ngoài mặt
Người Việt luôn khiêm tốn ngoài mặt nhưng bên trong lại vô cùng kiêu hãnh, hay có thể gọi là kiêu ngầm thì cũng thế. Mà, cái nông nổi "kiêu ngầm" này chả cứ một cô hoa hậu hoặc một nhà khoa học đại tài mà ngay cả bác tài xế Grab bike hay chị bán dưa muối cũng vậy. Họ thậm chí có thể rất kiêu hãnh với khả năng thuộc đường trong thành phố hoặc kỹ thuật muối dưa thượng thừa. Và, đừng bao giờ dại dột đụng chạm vào lòng kiêu hãnh đó của họ.
Việt Nam là một dân tộc khiêm tốn ở vẻ bề ngoài, rất ngại ngùng bày tỏ niềm vui khi được trao tặng đặc quyền đặc lợi một cách công khai hay lời khen nào đó. Mạng xã hội rất phổ biến những câu thoại kiểu này, khi ai đó nhận được một lời khen phổ thông đại loại "chị trẻ xinh quá" tức thì phải từ chối lời khen ấy cho phải lẽ: "chỉ bằng phân nửa của em thôi mà". Đố ai dám cảm ơn trong những trường hợp ấy. "Cảm ơn" nghĩa là "ngang nhiên" công nhận lời khen, trước sau gì cũng bị người cho rằng mình kiêu ngạo. Trong khi ở những tình huống này, người phương Tây chỉ đơn giản nói cảm ơn là đủ. Ấy là ngoài mặt, còn trong lòng chúng ta là cả một trời kiêu hãnh. Hẵng cứ thử đưa ra lời phê bình xem, kết quả sẽ thực là khác hẳn.
Sự kiêu hãnh này tất nhiên thu được nhiều lợi ích và tích cực. Đặc biệt là khi nó đóng góp phần lớn vào ý chí tinh thần trong những cuộc đánh đuổi ngoại xâm lừng danh khắp địa cầu. Những đế chế bất khả chiến bại khiến cả thế giới khiếp sợ đều phải lùi bước trước một quốc gia tí hon trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Các chuyên gia quân sự, chính trị phương Tây và bao nhà sử học không ngừng tìm hiểu lý do thần kỳ nào đã khiến một đất nước đói nghèo và nhỏ bé làm nên kỳ tích ấy nhưng phần nhiều bỏ qua tính cách ẩn trong con người Việt Nam xuyên suốt lịch sử, sự kiêu hãnh mà chúng ta hay gọi là lòng tự hào dân tộc.
Cha Cristoforo Borri, đến xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, là người đầu tiên mô tả nước An Nam: "Lòng tự tôn của họ rất cao, họ cho rằng nổi giận là một việc gì đó hèn hạ".
Nhiều người phản biện rằng đâu có nhẽ thế, người Việt chủ yếu là tự ti và mặc cảm đấy chứ. Điều này cũng chính xác, đó chính là tính cách vô cùng mâu thuẫn của chúng ta. Sự giằng xé giữa kiêu hãnh và mặc cảm tạo nên căn bệnh tự ái trầm kha. Đặc tính này khiến nhiều người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngạc nhiên khi họ có những nhân viên là người bản xứ. Họ than phiền rằng đôi khi rất khó để hợp tác với người Việt vì tật hay tự ái của họ, dù ấy chỉ là một nhân viên cấp thấp hay tài xế riêng. Hiển nhiên, ở Việt Nam, đừng tưởng cứ làm sếp là muốn mắng nhiếc, phê bình thế nào nhân viên cũng phải nghe. Hoặc giả họ có lắng nghe ngoài mặt nhưng trong bụng tức anh ách, lòng đầy oán giận. Tính tự ái góp phần khiến nhiều người Việt hiếm khi làm việc ở một nơi nào cố định. Sự luân chuyển công việc thường xuyên ngoài tìm kiếm cơ hội thăng tiến, phúc lợi và lương bổng tốt hơn thì ẩn sau đó còn là nguyên nhân do tự ái mà thành. Tôi có cô học trò cũ, trong 12 năm chuyển chỗ làm tới 9 lần. Lần nào cô cũng hậm hực phàn nàn với tôi về các sếp và đồng nghiệp. Tôi thở dài bảo cô rằng nếu chỉ một hai lần gặp trục trặc với đồng nghiệp thì lỗi là ở họ nhưng tới 9 lần các đồng nghiệp và lãnh đạo đều khiến cô tự ái thì lỗi là ở… tự ái. Nhiều nhân sự thậm chí sẵn sàng bỏ việc sang cơ quan khác với mức lương thấp hơn chỉ vì tự ái. Cũng chỉ vì tự ái, họ tỏ ra bất cần những bổng lộc và điều kiện làm việc tốt đẹp đang được hưởng, sẵn sàng ra đi, đến chỗ tồi tệ hơn cũng đành.
Tự ái luôn đi kèm với sĩ diện
Trên mạng xã hội, chúng ta thường xuyên thấy những vụ cãi nhau khủng khiếp với đủ mọi ngôn từ giữa các trí thức, thậm chí là người nổi tiếng và các nghệ sĩ lớn chỉ vì một lời bình luận không lọt tai. Kéo theo đó là tiền hô hậu ủng của những người "cãi phụ".
Người Việt dễ dàng kết bạn và cũng dễ dàng cạch mặt nhau vì tự ái. Những người ít được giáo dục, tính kiềm chế kém thì thậm chí còn hành hung nhau, chỉ vì tự ái vặt. Các vụ án mạng bắt nguồn từ mâu thuẫn thù tức do bị giễu, bị chê cũng không phải hiếm. Tự ái bắt nguồn từ sự pha trộn giữa kiêu hãnh và mặc cảm. Tự ái đương nhiên luôn đi kèm với sĩ diện, hình thành nên những thói quen văn hóa ứng xử gây khó hiểu cho người nước ngoài. Ngay cả trong cung cách ăn uống cũng vậy. Từ thuở xa xưa, người Việt vốn trọng việc ăn, vả lại vừa khinh thường nó, coi "miếng ăn là miếng nhục". Đặc biệt, người càng nghèo, lòng kiêu hãnh và nỗi mặc cảm càng khẳng khái khi đụng đến sự "ăn". Nên mới có luật bất thành văn rằng nếu có đến chơi nhà bạn, bạn mời ăn mời rượu thì dù bụng có đói meo, họng có chết khát vẫn cứ phải lịch sự mà rằng: "Thôi cảm phiền bác, tôi vừa mới ăn chỗ đằng kia cách đây ít phút. Cho tôi cốc nước trắng được rồi"; sao cho gia chủ phải mời gãy bát gãy đũa mới "miễn cưỡng" ngồi vào bàn. Tây mời ta ăn cơm, thấy ta đây đẩy từ chối tưởng khách no thật bèn cất đồ ăn đi luôn, mặc cho khách ôm bụng đói ra về lòng thầm oán thán chủ nhà không tinh tế...
Dễ sinh kiêu căng
Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên cũng từng công nhận rằng "Người Việt rất hay tự ái. Không mấy khi họ thú thực nỗi cực nhọc từng phải chịu. Nhưng tính tự ái thường đi đôi với tính khoe khoang. Họ dễ kiêu căng". Tính tự ái cũng cản trở tầm nhìn và nhận thức khách quan, khiến cho người ta chỉ quan tâm đến lòng tự tôn của mình thay vì tiếp thu và học hỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có lần đề cập căn bệnh thâm căn cố đế này của đồng bào mình: "Tự ái này luôn luôn đi đôi với tự kiêu, tự mãn, tự túc. Và, kết quả là tự khí, nghĩa là mình tự ngăn trở mình tiến bộ, đồng thời đã tự kiêu tự ái, thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Ðã cô độc, thì chẳng việc gì thành công".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/ca-mot-troi-kieu-hanh-2022040219030533.htm